Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Về miền Tây.


Miền Tây, mười hai tỉnh trù phú và một Cần Thơ "tây đô", đa phần nhờ phù sa sông Cửu Long bồi đắp dài hạn mà nên.
Khởi thủy là đất của nước Phù Nam xưa, khai canh lập quốc là ba vị vua họ Hỗn rồi đến dòng họ Phạm tiếp nối. Vua họ Phạm đóng đô thành Đặc Mục, có công đưa Phù Nam vào hàng "đế quốc 10 phiên bang", trùm trọn Campuchia, lấn đất Xiêm La, Chiêm Thành.
Thế kỷ VI, đế quốc Phù Nam suy vong tàn tạ. Chân Lạp là một thuộc quốc nhờ biết đổi mới "đa nguyên" mà nổi dậy hùng mạnh mau chóng. Nhân ra "mẫu quốc" suy yếu, họ bèn đem quân tới đánh, chiếm lấy toàn bộ đất miền Tây sáp nhập Chân Lạp.
Xứ Phù Nam hóa ra nô lệ, bị đồng hóa dần dà, "đế quốc" cũng mất dạng. Nay còn chăng chồng bát đĩa vỡ, mấy cái tượng đất đá vùi lấp dưới cánh đồng Óc Eo (An Giang) dành cho bác học nào thích ngâm cứu.


Sáp nhập vô Chân Lạp thời gian kéo dài chục thế kỷ, miền Tây dân cư vô hình trung thưa thớt, chỉ có muỗi mòng cọp chó heo rừng, trăn rắn khỉ khọt nhiều quá mà thôi.
Thế kỷ XVII, Chân Lạp phải đương đầu với Xiêm La đương mưu kế từng ngày lấn đất, không đủ sức giữ miền Tây chặc chẽ, khiến ở đây như một miếng mồi ngon vô chủ.
Năm 1658, chúa Nguyễn Phúc Tần đem quân đánh chiếm đất miền Đông, đánh tràn sang cả Chân Lạp, bắt vua Nặc Ông Chân về giam tại Quảng Bình. Chúa cho phép bọn dư đảng nhà Minh như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên đến sanh sống khai phá, dựng phố làm chợ cho văn minh phổ biến.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan quân vào phân chia hành chánh đất đai, lập các Dinh, Trấn, đăt ra Cai bộ, Ký lục mà quản lý, cai trị.
Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát dụng chánh sách "Tàm thực" (Tằm ăn dâu) của Nguyễn Cư Trinh, xâm lấm dần dà, nới rộng miền Đông, lấn sang miền Tây, chiếm trọn vẹn hết Tây Nam Bộ, tiến ra biển làm chủ đảo Phú Quốc.
Chiếm đất hoang vu, đưa dân chúng tràn xuống khai phá định cư, lập địa giới hành chánh, đặt quan cai trị; biến đất của người thành đất của ta, cả một quá trình dài dòng lịch sử chớ không phải ngày một ngày hai.


Cuộc Nam tiến của người VN thành tựu như nay là nhờ các vị chúa Nguyễn trường kỳ 200 năm "lấn đất". Từ câu nói "xui giặc" của cụ  Trạng Trình : "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", chúa Nguyễn Hoàng đào thoát vô Nam, dần dà lấn xuống mở mang mà nên được giang san gấm vóc.
Mạnh được yếu thua vốn lệ thường. Đế quốc Phù Nam suy vong vì cổ hủ tạo điều kiện cho người Khmer chớp cơ hội đánh chiếm tức thời. Quân chúa Nguyễn nhờ thời cơ mạnh lên, đánh cướp đất đai Phù Nam trong tay Chân Lạp, sát nhập nước Nam.
Sử qua rồi mà sử nhiều khi lập lại. Nhiều người thấy xứ Angkor ngày nay nhờ thoát được kiếp nạn CS, đi theo chánh trị dân chủ đa đảng, đương mạnh lên quá mau chóng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét