Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Ổ gà tham gia giao thông.


"Gà là giống chim lớn, nhưng bay nặng nề vì cánh ngắn", học trong sách khoa học thường thức thời tiểu học cọng đồng, mấy chục năm qua rồi cứ nhớ khi có dịp ngắm con gà.
Gà mái trở giạ đẻ thì cộc ta cộc tác la làng, giáo giác bay nhảy tìm cái ổ thuận tiện đẻ trứng. Nhà quê lấy rơm rạ lót ổ trong thúng mủng, thùng các-tông, đặt trên gác tre chuồng rồi cho cái trứng dụ gà vào an tâm đẻ.
Quen ổ, gà bèn lên ổ ấy hàng ngày đẻ, đợi ngày ấp nở.
Ở thành phố, thị trấn, thị xã, người ta dùng từ "ổ gà" không phải nói nơi gà nằm đẻ mà ngụ ý đường lộ hư hỏng có lắm hang hố dàn trận.

Trải thảm ổ gà trên con đường đi xuống CNXH
Ổ gà sanh ra, thiên hạ đồ rằng, khi làm đường, lục lộ không làm cho tốt mà cốt làm cho có. Nền đường yếu, đất mềm mưa xuống thì sụt, lớp đá rãi lót, lớp nhựa bê tông cán đằm qua loa, bị bớt xén kiếm tiền chia nhau mới ra chuyện lớp đá, nhựa mỏng dính.
"Mười phần hết bảy còn ba,
Hết hai còn một, thì ra con đường."
Đường đầy ổ gà phiền toái, nguy hiểm tai nạn giao thông thường đem đổ lỗi cho những lái xe "siêu trường siêu trọng" chở vượt mức cho phép sanh sự hư hỏng. Thanh tra, cảnh sát giao thông bèn lập chốt di động chặn những lái xe ấy lại, phạt thật nặng, thu tiền thật lớn, tận tụy đem "nộp ngân sách chánh phủ".
Nhiều bác tài phản ứng rằng xe tải chở hàng hóa lưu thông kinh tế, kinh tế càng phát triển thời xe càng chở nặng, con đường cấp thiết phải cải tạo nâng cấp chịu tải trọng cho phù hợp chớ sao lại chặn đường phạt lái xe ?
Câu trả lời nên đơn giản thôi, phạt cho ổ gà không tiến lên ổ voi.

Ổ voi nằm tăng trưởng kinh tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét