Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Người rừng Quảng Ngãi.


"Homo sapiens" nay thêm nhiều thứ người đặc sắc. Người dơi, người nhện, người cá, người sói, người lợn, người gỗ, người sắt. Nước Nam từng lừng danh với "người cộng sản", mới đây thêm có "người chạy", "người rừng".
"Người chạy" là người chạy bộ cố sức theo chiếc xe chở cầu thủ ngoại. Trước mệt sau sướng, được cho qua Anh quốc chơi vài hôm, "Người chạy" về nước rồi bỏ chạy lại đi, ít ai để ý. Riêng về cái chuyện "Người rừng Quảng Ngãi" thì cảm động lắm.


Dailymail ngày 8/8/2013 đưa tin, có hai "người rừng" tại VN mới được giải cứu về với văn minh sau hơn 40 năm lẩn lút sống trong rừng rậm.
Năm 1972, nguyên bộ đội cộng sản Hồ Văn Thanh (người sắc tộc Cor ở Quảng Ngãi) bồng đứa con mới 1 tuổi là Hồ Văn Lang chạy vô rừng sâu núi Apon sinh sống, trốn khỏi xã hội bấy giờ chiến tranh tao loạn. (Sắc tộc Cor vốn có tên không họ, sau nghe lời cán bộ CS, mới lấy họ Hồ (Hồ Chí Minh), họ Phạm (Phạm Văn Đồng) đặt để cho đủ bộ danh tánh.
Bộ đội Thanh một mình làm chòi lá  trên cây cao tránh thú dữ. Ông lấy mảnh bom làm rìu rựa, đập dập vỏ cây làm áo khố; bắt chim chuột thú rừng côn trùng sâu bọ, hái trái cây rừng hoang dại mà ăn. Ông còn đi kiếm hạt giống dưa, lúa, bắp gieo trồng lấy lương thực.
Ông khoan gỗ lấy lửa vùi ủ mà dùng, biết trồng thuốc lá hút chống sương mưa lạnh lẽo.
Hai cha con nương tựa vào nhau, lẫn tránh cộng đồng, trốn thoát văn minh mà sống đời hoang dã giữa rừng thiêng nước độc, thích nghi hóa ra "Tarzan" núi rừng Quảng Ngãi.

 Chòi trên cây.
Dao, rìu chế tạo từ  mảnh bom.
Công cụ, soong nồi.
Giữa rừng sâu, hai cha con yên tâm "cộng sản nguyên thủy" hơn 40 năm, ông Thanh đã 82 tuổi. Gần đây, ông phải đau ốm nằm liệt trong chòi. Người con thì chỉ biết ngơ ngác, ngồi co ro cạnh bên bất lực, sợ hãi.
May thay, dân làng đã phát hiện, kịp thời lên rừng đưa cả hai về làng "tái hòa nhập".
Nhiều người ngạc nhiên sự vì sao hai cha con sống được từng ấy năm trong điều kiện cay nghiệt ở rừng đầy muỗi mòng rắn rết, sốt rét bệnh hoạn, thiếu thốn đói rét, mưa to bão lụt.
Câu trả lời đơn giản. Chánh là nhờ cái tình phụ tử thắm thiết hai cha con giữa núi rừng hoang vắng làm động lực sống. Nhờ vào cái thông minh tháo vát người cha, nhờ thêm kinh nghiệm thích nghi hoang dã di truyền sắc tộc mới nên được điều kỳ lạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét