Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Cuộc xâm lăng của Trung Cộng ở Hoàng Sa.



I. Diễn trình cuộc xâm lăng.
Vụ tranh chấp Hoàng Sa đột phát trở lại kể từ ngày 11.01.1974 khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng tuyên bố là nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng mà VNCH chiếm cứ bất hợp pháp.
Ngày 12.01.1974 phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VNCH đã bác bỏ sự đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ của Trung Cộng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc khác nghi ngờ một âm mưu đen tối của Trung Cộng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ thị Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 đến Hoàng Sa tuần phòng canh chừng. Nên nhắc lại là cho tới khi Trung Cộng gây hấn, phía VN chỉ có một Trung đội Địa phương quân 24 người trú phòng trên đảo Hoàng Sa (Pattle) cùng 4 nhân viên khí tượng. Các đảo khác trong nhóm đảo Nguyệt Thiềm không có quân đội ta trấn đóng.
Ngày 15.01.1974, một chiếc ghe đánh cá Trung Cộng bất thần chở người đến đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, cắm cờ và dựng lều trên đảo. Chiến hạm VNCH dùng quang hiệu đuổi họ rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu. Địch quân cũng đổ bộ lên các đảo Vĩnh Lạc, Quang Hòa, Duy Mộng và tăng cường chiến hạm vào vùng quần đảo.


Chiến hạm ta đã dùng loa và đèn hiệu yêu cầu những người Trung Cộng rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu.
Đến ngày 16.01.1974, để trả lời sự mạo nhận của Trung Cộng, chánh phủ VNCH đã phổ biến một bản tuyên bố với những dẫn chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử để xác nhận uy quyền của VNCH trên hai quần đảo trên.
Đồng thời Hải Quân được lệnh phải lấy lại các đảo đã bị người Tàu lấn chiếm trái phép.
Ngày 17.01.1974, hồi 7 giờ 45 , một Tiểu đội xung kích của ta đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc không gặp sức kháng cự nào, chỉ tìm thấy trên đảo có 6 ngôi mộ mới, có bia viết chữ Tàu. Có lẽ đây là bằng chứng ngụy tạo của Trung Cộng nhằm chứng tỏ người Tàu đã chiếm giữ đảo nầy từ lâu. Toán xung kích đã được lệnh nhổ cờ Trung Cộng cắm trên đảo và phá hủy hết mọi dấu tích ngoại bang.
Tại đảo Cam Tuyền, Trung Cộng có 3 tàu neo canh đảo và xuồng nhỏ liên lạc với một toán quân trên bờ.
Hồi 15 giờ 30 ngày 17.01.1974, hai Chiến hạm HQ-4 và HQ-16 tới nơi cho đổ bộ một toán Biệt hải. Trước thái độ cương quyết của ta, các tàu Trung Cộng đã thâu hồi các xuồng đổ bộ và rút lui không có phản ứng chống trả nào.
Toán Biệt hải lục soát trên bờ tìm thấy một lá cờ Trung Cộng và một bảng gỗ thông sơn đỏ ghi chữ "Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa lãnh thổ bất khả xâm phạm". Những vật nầy Trung Cộng mới đưa tới 2 ngày trước, còn những vết tích cũ của VN trên đảo vẫn còn tồn tại: 1 bia ghi ngày 5.12.1963 của Thủy Quân Lục Chiến, 2 bể đựng nước bằng xi măng, một ngôi miếu nhỏ đề ngày 24.11.1963



Tới 18 giờ 10 cùng ngày, 2 Chiến hạm Trung Cộng loại Kronstadt trang bị đại pháo 100 ly và 37 ly từ phía đảo Quang Hòa chạy qua với vận tốc tối đa có vẻ hung hăng khiêu khích. Chiến hạm ta vẫn giữ thái độ ôn hòa, dùng quang hiệu yêu cầu tàu cộng rời hải phận VN, hai tàu nầy dùng quang điện trả lời lại là hải phận của họ và đuổi tàu VN ra. Nhưng trước thái độ bình tĩnh và cương quyết của các chiến hạm ta, các tàu Trung Cộng đã rút về vùng đảo Quang Hòa một giờ sau đó không có đụng độ.
Qua ngày 18.01.1974, các chiến hạm Trung Cộng đã tỏ thái độ khiêu khích, có ý muốn tái đổ bộ Cam Tuyền. Khi bị lực lượng ta ngênh cản, tàu địch đã nhiều lần có ý định ủi ngang hông các chiến hạm ta, nhưng ta đã vận chuyển và tránh né an toàn.
Trong khi đó, lực lượng địch càng ngày càng được tăng cường, thêm chiến hạm xuất hiện và có cả tàu chuyển vận chở thêm quân tới Quang Hòa và Duy Mộng.
Trên đảo Quang Hòa, lực lượng địch được tiếp vận, thiết lập các công sự phòng thủ kỹ lưỡng. Phía ngoài địch dàn các chiến hạm lớn nhỏ với thái độ hung hăng khiêu khích.
Mặc dầu vậy, lực lượng đặc nhiệm Hải quân VN nhất quyết tái chiếm nốt Quang Hòa và Duy Mộng ngày hôm sau 19.01.1974.
Hai chiến hạm HQ-5 và HQ-10 được gửi thêm đến tăng cường và chở theo một toán Hải kích. Các Chiến hạm HQ-6 và HQ-11 cùng 3 tàu Tuần duyên khác không tới địa điểm kịp thời nên dùng làm lực lượng trừ bị.


II. Trận hải chiến 19.01.1974.
Sáng ngày 19.01.1974, một ngày lịch sử tại Hoàng Sa của Hải Quân VN. Lực lượng ta hiện diện gồm có 4 chiến hạm, phía địch có 4 chiến hạm lớn, 2 tàu vũ trang nhỏ, một tàu chuyển vận loại trung và một pháo hạm không rõ loại.
Phía VN các chiến hạm kém về số lượng và vận tốc, nhưng hỏa lực trội hơn đôi chút và các tàu của ta có sức chịu đựng cao hơn tàu địch. Điểm bất lợi lớn lao nhứt là chiến hạm ta ở ngoài tầm yểm trợ của Không quân VN, trong khi Trung Cộng có thể huy động phản lực cơ Mig, đưa thêm chiến hạm có gắn hỏa tiễn và cả Tiềm thủy đĩnh tới trợ chiến.
Chiến hạm địch dàn thành 2 vòng cung phía tây đảo Quang Hòa, phía ngoài là 4 Hộ tống hạm (2 chiếc loại Kronstadt và 2 chiếc loại T 43), phía trong là 2 tàu võ trang và 1 tàu chuyển vận. Hải đội ta làm một vòng phía ngoài tàu địch cách xa bờ từ 4 tới 6 cây số gồm có Khu trục hạm HQ-4, Tuần dương hạm HQ-5, Hộ tống hạm HQ-10 và Tuần dương hạm HQ-16. Hồi 6 giờ 30, ta bắt đầu đổ bộ biệt hải và hải kích lên Quang Hòa trong khi đó Trung Cộng cũng đổ bộ binh lính lên đảo. Một giờ sau ta hoàn tất việc đổ bộ, toán xung kích của ta ở trong tình trạng rất nguy hiểm: phía trước mặt có khoảng 1 trung đội địch chưa kể binh sĩ núp trong công sự chiến đấu mới dựng mấy ngày trước. Phía sau lưng còn có một đại đội địch vừa đổ bộ.


Tới 8 giờ 30, lực lượng địch trên đảo nổ súng, gây cho ta 2 chết 2 bị thương. Phía ta bình tĩnh chưa nổ súng lại và đợi lệnh. Trong lúc đó ngoài biển chiến hạm địch húc mũi vào chiến hạm ta, nhưng ta né tránh được và chuyển vận húc trả đũa.
Đến 8 giờ 52 thì lực lượng hành quân của ta tại Hoàng Sa được lệnh phản pháo tự vệ. Toán đổ bộ được lệnh triệt thoái xuống tàu.
Trận hải chiến VN - Trung Cộng khai diễn lúc 10 giờ 25 rất dữ dội, hai bên xử dụng toàn thể hỏa lực nặng nhẹ để tiêu diệt nhau, nên chiến hạm nào cũng trúng nhiều phát đạn.
Ngay trong ít phút đầu, một tàu Kronstadt bị trúng đạn bốc cháy, nhiều thủy thủ của ta sau đó cho biết tàu đã bị nổ và chìm, tuy nhiên chưa xác nhận rõ được kết quả. Hai chiếc T43 thì một cháy và một bị trúng đạn ngay phòng lái không điều khiển được. Chiếc Kronstadt thứ nhì của địch bị trúng đạn nặng, nghiêng và ủi mạnh vào bờ san hô gần đó, phần lái bị chìm, tàu coi như bị phá hủy hoàn toàn.
Về phía ta, các chiến hạm HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn hư hại dụng cụ liên lạc vô tuyến và bị nhiều lỗ thủng trên sàn tàu. Tuy nhiên, những thiệt hại đó đều nhẹ, và chiến hạm tiếp tục chiến đấu được HQ-6 bị trúng đạn hư hại một phần máy và lườn tàu bị thủng nước tràn vào, chiến hạm vừa tác chiến vừa rút dần khỏi tầm đạn địch về phía tây. Riêng chiến hạm HQ-10 bị thiệt hại nặng nhất, chiến hạm nầy là chiếc nhỏ nhất trong 4 chiến hạm của ta tham chiến, võ khí chỉ có một đại bác 76 ly, 2 khẩu 40 ly và vận tốc kém nhất. Bị địch dồn hỏa lực nặng vào đài chỉ huy và hầm máy, HQ-10 chịu nhiều thiệt hại nhân mạng, hạm trưởng tử trận, những đoàn viên còn lại anh dũng cầm cự đến phút chót và chỉ bỏ tàu lúc 11 giờ 00 khi toàn thể chiến hạm bốc cháy dữ dội.


Hồi 11 giờ 10, Trung Cộng tăng cường thêm 2 tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn và vận tốc nhanh gần gấp 2 tàu của ta. Sợ bị lâm vào thế thất lợi, các chiến hạm của ta được lệnh rời chiến trường. Đến 11 giờ 21 thì trận hải chiến kết thúc sau 1 giờ giao tranh, chiến hạm của VN và chiến hạm của Trung Cộng ở ngoài tầm súng của nhau.
Vào buổi chiều, các chiến hạm của ta trở về các đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền , Vĩnh Lạc đồng thời tìm cách tiếp cứu cho HQ-10. Tối ngày đó 3 chiến hạm Hải Quân được lệnh trở về Đà Nẵng, chiến hạm HQ-11 và 3 tiểu đỉnh đến Hoàng Sa thay thế nhiệm vụ.
Qua ngày 20/01/1974, các phi cơ Mig Trung Cộng xuất hiện và oanh tạc 3 hòn đảo còn quân ta đóng giữ, các chiến hạm của ta phải phân tán về hướng Tây Nam. Một số chiến hạm Trung Cộng đến hải kích vào các đảo Cam Tuyền, Hoàng Sa, Vĩnh Lạc. Sau đó bộ binh Trung Cộng đổ bộ. Ta mất liên lạc với các toán quân trú phòng hồi 10 giờ 45.


III. Kết thúc:
Tổn thất đôi bên được ghi nhận như sau:
+ Việt Nam Cộng Hòa 
      * Chiến hạm 
-  1 chiếc bị hư hại toàn diện (Hộ tống hạm HQ-10)    
-  1 hư hại nặng (Tuần dương hạm HQ-16)   
-  2 chiếc khác bị hư hại nhẹ (Khu trục hạm HQ-4  và tuần dương hạm HQ-5) 
       * Nhân mạng 
- 18 tử thương, 43 bị thương, 116 mất tích  trên các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Hoàng Sa và 59 người trên Hộ tống hạm HQ-10   
 + Trung Cộng
      * Chiến hạm
  -  1 chiến hạm loại Kronstadt cháy và chìm
  -  1 chiếc bị hủy hoại, ủi vào bờ sau đó
  -  2 tàu loại T43 hư hại nặng khó phục hồi được      
       * Nhân mạng  
  -  Không được ghi nhận nhưng chắc chắn là rất nặng nề.
Tính đến thượng tuần tháng 2/1974, kết thúc của trận hải chiến giữa VNCH và Trung Cộng được ghi nhận như sau, Trung Cộng đang tạm chiếm quần đảo Hoàng Sa và hiện đang thiết lập căn cứ quân sự tại đây.
Theo Tân Hoa Xã của Bắc Kinh loan báo hôm 29/01/1974, Trung Cộng đã bắt giữ 48 chiến sĩ VNCH trong trận giao tranh trên đảo Hoàng Sa. Những người bị bắt giữ nầy sẽ được phóng thích từng đợt tùy theo thời gian thuận tiện.


Ngày 30/01/1974, Hội Hồng thập tự Trung Cộng đã yêu cầu Hội Hồng thập tự Quốc tế tiếp nhận vào ngày 31/01/1974 toán đầu gồm 5 thương binh đau ốm của VNCH. Địa điểm trao trả tại cầu Sumchum giữa ranh giới Hương Cảng và Quảng Đông, 5 thương binh đã về đến phi trường Khải Đức (Kai Tak) ở Hồng Kông lúc 10 giờ 10 giờ Sài Gòn và họ đã được phái đoàn do Phó Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải Quân hướng dẫn gồm đại diện Phủ Tổng Ủy Dân vận, Tổng cục Chiến tranh chính trị, bộ Ngoại giao và Bác sĩ Quân y tiếp đón và đã về đến Sài Gòn lúc 15 giờ 40 chiều 31/01/1974.
Ngoài ra, ngày 30/01/1974 có 14 chiến sĩ biệt hải sau 11 ngày lênh đênh trên biển, được ngư phủ vớt đem về điều trị tại quân y viện Qui Nhơn. Hiện nay, 14 chiến sĩ trên được đưa về Sài Gòn điều trị.
Các chiến hạm VNCH bị hư hại trong trận hải chiến đã được sửa chữa xong, chỉ còn chiếc Tuần dương hạm HQ-16 đang sửa chữa. Riêng Khu trục hạm HQ-4, sau khi được sửa chữa, hiện hoạt động ngoài vùng biển Trường Sa để bảo vệ quần đảo...
*
(Trích theo Tài liệu quý hiếm về cuộc Hải Chiến Hoàng Sa 1974 - Blog Phay Van)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét