Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Tên mấy lan rừng.


Loài phong lan Thạch Học, bám nhiều trên mấy thân cổ thụ cho mấy ai từng lên ngọn núi xanh, băng rừng lội suối đều thấy.
Thạch Học thân lá xanh tươi, chắc chắn, nhiều nhánh chụm lại vươn ra tràn trề nhựa sống, ngó dễ thương. Hoa nở cuối xuân đầu hạ, kết thành chùm ngoài trắng trong vàng thơm ngát, nhìn cũng thích.
Thích tất muốn có ở vườn dễ ngắm nghía đã mắt. Thế nên người ta vô rừng, leo lên cây cao, lột cả bụi đem về vườn nhà, cột bạ vô thân mấy cây cau mít cho lan bám.
Loại này cũng dễ sống. Tưới nước ít ngày đã thấy rễ mọc ra trắng vàng, bám vô cây chủ.
Vài tháng sau đã sinh nhánh mới. Ra giêng hai, sắp đến rằm Phật Đản là có hoa.


Tên khoa học của mấy loài lan rừng đều đặt theo tiếng Latine. Dài dòng, khó đọc, ít ai nhớ; chỉ mấy bác học chuyên dụng dạy dỗ học trò môn Thực vật học.
Các vị yêu lan, chơi lan, thích tên lan rừng dựa vô mùa ra hoa, hoặc dạng vẻ dáng giống.
Điểm ví dụ vài ba loài phong lan sau :
- Nghinh Xuân (Đón Xuân). Hoa nở vô dịp tết, đúng lúc cần hoa đón xuân. Quá quý hóa.
Tên khoa học : Rhynchostylis gigantea.
Tên gọi khác : Đai Châu, Ngọc Điểm.


- Giáng Thu (Thu giáng hạ). Hoa nở tiết Lập Thu. Mùa thu bàng bạc lá rụng, mưa ngâu, buồn da diết nghe Giọt Mưa Thu, cái vạn cổ sầu của Đặng Thế Phong, ca sĩ Kim Anh.
Tên khoa học : Aerides odoratum Lour.
Tên gọi khác : Quế Lan Hương, Dạ Lan Hương, Giáng Hương.



- Thạch Học (Kiều Đạm Thanh). Nở dịp cuối xuân đến rằm tháng tư Âm lịch.
Tên Latin: Dendrobium nobile var. alboluteum. Họ: Phong lan Orchidaceae. Bộ: Phong lan Orchidales . Lớp: Cây phụ sinh .
Tên gọi khác : Thạch Hộc Gia Lu.



* Giải thích thêm về Kiều Đạm Thanh (Kiều gặp Đạm Tiên trong hội Đạp Thanh)
Mùa xuân ba tháng không dài, thấm thoát hết 60 ngày rồi là đến tiết Thanh minh. Tiết trời trong sáng, theo lệ xưa bày nay làm, ba chị em Vương Thuý Kiều đạp cỏ đi tảo mộ rồi bắt gặp cái mồ vô chủ giữa đường. Thuý Kiều hỏi Vương Quang biết của ca nhi Đạm Tiên, một thời "thiên hương nhất chi" cành hoa đẹp. Chừ mồ xiêu mả lạc ngó buồn hiu...
"Ngày xuân con én đưa thoi.
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời.
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba.
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh..."
Cái thời gian này chính là lúc Thạch Học ra hoa. Hoa nở. Hàm tiếu. Đẹp thơm ngát nở. Tưng bừng. Mãn khai. Tàn tạ. Rụi héo...
"Phận hồng nhan có mỏng manh.
Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương..."
Có lẻ cảm thán truyện Kiều, ngắm chuổi hoa Thạch Học đẹp lại mau tàn rụi, mấy cổ nhân chơi lan tặng luôn cho Thạch Học cái tên gợi buồn đó chăng ?
Ngoài Bắc, gọi lan Thạch Học là Thạch Hộc. Tên Kiều Đạm Thanh đổi thành ra "Kiều Đàm Thanh", nghe cũng hay lắm.
Về cái ý nghĩa lan Kiều Đàm, nhiều người bảo có lẽ đúng hơn Kiều Đạm. Thạch Học bạ vô cây cao, mảnh mai đẹp vô cùng, đẹp hơn cả. Chùm hoa còn toát ra một vẻ tinh khiết thuần tuý Kiều Đàm Di vậy.


Lời bàn luận:
Tên mấy lan rừng theo người ta đặt đúng là suy diễn theo cái nhìn, cách ngó. Tên nào cũng có lý này lẽ nọ biện minh.
Những chùm lan rừng thì chỉ biết cung hiến cái đẹp, tiết phát mùi thơm cho thiên hạ, bướm ong chúng sinh ngắm nghía, ngửi hít, khen che thoải mái. Mỗi loài lan có phong vị sắc thái riêng, nhưng tất thể đều mở lòng ra với thế giới xung quanh, vị đích lan tràn, tràn lan cái đẹp phong lan : nhân giống.
Phong lan có cần biết tên nó là gì đâu.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét