Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013
Đưa ba ông Táo.
Nguyên thủy cổ đại, người ta bếp lửa giản dị, kê ba cục đá túm tụm đặt cái nồi đất đốt lửa lên là ra bếp núc lo ăn lo uống.
Mấy ngàn năm nhờ "sáng suốt" chỉ đạo, thiên hạ văn minh lấy cục đất sét nhồi nặn cắn cắt ba cục gạch cong cong bầu bầu nung ba ông đầu rau thay mấy cục đá. Ba ông sau gọi ba ông Táo, được tôn vinh thánh thần ra ông vua Bếp.
Giàu ba bữa nghèo cũng đỏ lửa ba lần. Bếp lạnh tro tàn vua bếp đói thời người ta cũng đói. Lo cái nồi khỏi úp cũng là lo vua bếp phải sống trị vì nhà bếp. Trẻ ít sợ úp om bởi có sức bon chen kiếm chác, già phải cố thủ sổ hưu bòn tiền gạo đặng vua bếp đỏ lửa.
Dĩ thực vi thiên, thiên hạ lấy ăn làm trời. Vô bếp gặp ba ông táo cũng như gặp ông Trời. Chuyện ngắn chuyện dài, chuyện cười khóc buồn vui vợ chồng thổ lộ trong bếp, nên chi gia sự thăng trầm thất bại hay "đại thắng mùa xuân", ba ông Táo ngóng nghe biết hết. Biết nhiều đầy ắp lổ tai không chứa nổi, cuối năm Táo cáo hết nhiệm kỳ, lấy cớ đi lên Trời báo cáo gia sự, tẩu thoát cho Táo mới thay Táo cũ.
Đành đoạn chuyện người đời tệ bạc. Vua bếp ba cục đất sét lên chầu Trời mà buổi tiệc ly tiễn chân đa phần đạm bạc. Phú gia phú trưởng giả thì ít, bần gia bần mạt chúng quá sức nhiều. Vua Táo mấy chục triệu kéo nhau đi báo cáo. Táo giàu hia thượng tọa cá chép vàng đỏ, túi vàng bạc lộ phí hả hê. Táo ăn mày không xu dính túi, dép đứt quai chân đất, lang thang rạc cẳng chen chúc biết bao giờ đặng tới. E đành bỏ cuộc lên trời...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét