Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Tản mạn hoa Quỳnh.


Trong mấy loài hoa nở về đêm, danh dự nhất là quỳnh hoa với tên chữ Hán là "Đàm hoa Nhất hiện". Tục truyền cuối đời nhà Tùy nước Tàu, tại chùa Dương Ly ở đất Dương Châu, một đêm nọ xảy ra chuyện lạ. Tự nhiên vườn nhà chùa sáng chói lòa lên như gặp sao băng rớt xuống, hương thơm bỗng tỏa ra lan tràn khắp vùng. Dân chúng lấy làm lạ, kéo nhau vô chùa xem xét.
Thiên hạ phát hiện bên giếng nước chùa xuất hiện cây lạ, nở đóa hoa trắng tinh với 18 cánh to ở trên, 24 cánh nhỏ ở dưới, hương ngào ngạt. Dưới cây hoa, trên mặt đất có hai chữ "quynh huyền" rõ nét, kỳ dị tựa hình vẽ bí ẩn đồng lúa Anh quốc ngày nay vậy.
Bấy giờ, vua Tùy Dạng Đế tại kinh đô Lạc Dương cũng đêm đó mơ thấy một loài hoa lạ đẹp đẽ. Sáng ra vua bèn nghị quần thần, nhờ quan chiêm mộng giải đoán.


Quan quân Dương Châu báo triều đình về chuyện lạ hoa quỳnh xuất hiện, nhà vua xa giá lên đàng vội vã đến xem cho thỏa trí tò mò. Cha con Lý Uyên, Lý Thế Dân dẫn ngự lâm quân đi tiền trạm đến chùa trước, đề phòng khủng bố đặt bom thích khách.
Kỳ lạ thay ! Bông hoa quỳnh vừa thấy Lý Thế Dân bỗng nhiên cong cớn, rung lắc lên xuống ba lần "tam bái", rồi quắc queo rụng ngay xuống đất.
Vua nhà Tùy đến sau, chỉ còn thấy mấy lá đau khổ không hoa không cành, quẹo quặt bên cái giếng cổ mốc meo nức nẻ. Vua tức giận sai lính rứt bỏ các lá ấy đi, cấm dân chúng không được trồng loài hoa yêu quái.
Tuy nhiên lá cây hoa quỳnh vứt ở đâu thời ở đó mọc lên cây mới - nhân bản vô tính. Rồi mỗi năm, khoảng tháng 6,7 âm lịch cuối hạ đầu thu, quỳnh lại nở hoa. Nở đúng giữa đêm, nở ra chừng hai,ba tiếng đồng hồ rồi héo rũ ngay.
Người ta bảo hoa quỳnh "đánh nhanh rút gọn" lúc nửa đêm, phải chăng hoa lo sợ những hôn quân bon chen ngắm nghía được nét đan thanh trong trắng của nó chăng ?


Nhà bác học nói hoa quỳnh gốc gác xứ Mễ Tây Cơ, vốn nòi xương rồng cận sa mạc khô hạn, chuyên đeo bám vỏ các gốc cây to trốn nắng. Lá quỳnh bị thoái hóa hết, chỉ còn lại cành nối nhau leo bò rễ phụ trèo cao.
Thời gian tiến hóa, cành quỳnh hoa bạnh ra, giả dạng chiếc lá quang hợp nắng trời khiến người ta bị lầm cây hoa ấy chỉ có lá không cành. Kinh nghiệm trồng quỳnh nên trồng chung gốc với cây giao (cây Xương khô) mới tốt. Lý do cây chỉ lá bên cây chỉ cành, ở chung bổ túc âm dương hài hòa bớt thiếu thốn. Hai cây thuộc chung bộ xương nên khi ở với nhau dễ tốt tươi thạnh vượng.
Nhắc đến quỳnh giao, dễ nghĩ tới Quỳnh Dao nữ sĩ Đài Loan. Bà viết nhiều tình cảm tiểu thuyết rất hay ho như Song ngoại, Thố ty hoa, Hải âu phi xứ, Hoàn châu cách cách...thiên hạ đều thích. Tuy nhiên chuyện thực tế hơn ít biết, hoa quỳnh là vị thuốc quý trị viêm phổi còn cành giao chuyên dụng trị xoang vô cùng hiệu nghiệm:
Công dụng trị viêm phổi của hoa quỳnh.
Cách chữa viêm xoang bằng cây giao.


Cách trồng quỳnh khá đơn giản. Lấy cái chậu đặt miếng mảnh sành cong vào lỗ thoát nước ở đáy, ngăn bọn giun đất chui vào phá phách, rồi cho đất cát màu mỡ vào. Cắm một lá quỳnh hoa vào, ấn đất gốc cho chặt rồi tưới ít nước. Đem chậu vào nơi râm mát, thi thoảng tưới ít nước vừa đủ lá ấy sẽ nẩy nở đâm chồi lên cây.
Dùng phân NPK chuyên dụng cây cảnh bón bồi dưỡng, cây quỳnh sẽ lớn nhanh lớn mạnh lớn vững chắc có ngày ra hoa nửa đêm mà ngắm.
Thời nay phương pháp tân tiến, người ta đã lai tạo hơn 10.000 giống hoa quỳnh khác nhau, đủ màu đủ sắc. Có loại hoa nở cả tháng không hề héo. Có loại bông hoa quỳnh to bằng cả cái thúng...
Riêng ở ta, báo chí mạng điện tử cho biết : "sau 5 năm công phu lai ghép giữa quỳnh với thanh long và dùng đèn điện thắp sáng, năm 2004, ông Mười Lới, một người trồng hoa ở TP.Đà Lạt đã tạo ra được loài quỳnh hoa nở ban ngày, gọi là Nhật quỳnh. Hiện Nhật quỳnh đã phát triển thêm được nhiều loại có màu sắc phong phú..."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét