Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015
Nghiệp báo Tản Đà.
"Non sông thề với hai vai,
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son."
Hồi thuộc Pháp, Bắc kỳ có cụ Tản Đà trước làm văn làm thơ sau ra làm báo. Làm văn làm thơ nổi tiếng mà tiền thơ văn ít ỏi, ra làm báo lận đận dẹp lên dẹp xuống đụng chạm chánh quyền. Mấy nghề "khoa học xã hội nhơn văn thượng tầng" thấy không ra chi, ông bèn mở quầy coi bói, chấm số tử vi, dạy chữ nho, dịch thuật... cố quyết làm cho ra tiền nhưng số khổ vẫn lai hoàn khổ. Tản Đà về quê ăn bám vợ, ngày ngày giao lưu bè bạn, uống rượu tiêu sầu, húy hoáy thơ văn bản thảo.
Uống rượu nhiều bị xơ gan, xơ gan rồi phát ung thư gan, Tản Đà mất lúc mới 50 tuổi, để lại vợ và một bầy con 7 đứa. Nhà văn Nguyễn Tuân kể lại sự đi thăm lúc cụ hấp hối.
- Lúc tôi vào nhà 71 Cầu Mới, lòng tôi thắt lại. Ông Tản Đà còn hấp hối. Và đang thở hắt ra. Cứ đều đều, cứ nhẹ thế cho đến hơi thở cuối cùng. Hai môi mím khít lại, ông Tản Đà có nét mặt dăn dúm của một người chết khó khăn. Phải, chung thân làm một người bất đắc chí, sống đã chẳng được toại lòng, người nằm sóng sượt đây khó mà đi cho nhẹ nhõm. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi lạnh.
Ở đầu giường bệnh, vẫn cái chồng sách cũ nát trên cái ghế mọt thay làm án thư và bên chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo. Tập di cảo ! Trời ! Và lẻ loi ở góc bàn, vẫn cái hũ rượu cáp giới ngày nọ. Tất cả chỉ có thế thôi. Với một đoàn thê tử yếu và đuối..."
Nghiệp báo Tản Đà như sau.
- Khởi nghiệp viết bài đăng ở "Đông Dương Tạp chí" của ông Nguyễn Văn Vĩnh, "Nam Phong Tạp chí" của ông Phạm Quỳnh...
- Năm 1921 làm chủ bút "Hữu Thanh Tạp chí" của Hội tương tế Thương mại và kỹ thuật
- Năm 1926, tự chủ trương "An Nam Tạp chí" đặt trụ sở ở đường Mandarine, Hà Nội.
Nhà báo Tản Đà suốt ngày uống rượu, tâm sự với bằng hữu, đọc sách đông tây kim cổ. Khi màn đêm buông xuống một hai giờ sáng, cụ mới viết bài tùy hứng.
"An Nam tạp chí" của cụ ba lần đình bản do thua lỗ nợ nần, do ngấm ngầm tư tưởng chống đối nhà nước, đến năm 1933 thời bị chấm dứt, tổng cộng xuất bản được 48 số.
Quan niệm làm báo cụ Tản Đà nói rõ rệt ra trong một bài đăng ở "Đông Pháp thời báo" số 641 năm 1927: "Các báo quán đã là một đội quân tiên phuông trong trận tấn thủ của xã hội, thời phàm là các người viết văn trong báo giới đều là một tên lính ở trong đội tiên phuông. Một ngọn bút sắt tung hoành có quan hệ đến vận hội của đồng bào 25 triệu. Cho nên trong bạn làm văn, ai đã để tâm vào báo giới, tuy là cái thời giờ eo hẹp, cái cảnh ngộ khó khăn, song cũng phải gắng sức thật lòng để làm hướng đạo cho công chúng. Cái trách nhiệm càng to bao nhiêu, cái tâm càng phải tế (cẩn thận) bấy nhiêu. Ấy là chúng ta tự trọng cái địa vị của chúng ta mà cũng là trọng đãi các độc giả trong xã hội vậy"
Kết quả nghiệp báo của mình, Tản Đà sau ngày về quê tổng kết:
"Khi làm chủ bút, lúc viết mướn.
Hai chục năm dư, cảnh khốn cùng..."
Lời bàn luận:
Xưa nay mấy người học giỏi chuyên văn có tài, có lòng tự trọng ở xứ An Nam, nếu đi theo nghiệp báo họ sẽ phải đọa vì mấy sự chữ nghĩa. Không nghèo đói túng quẩn, trốn nợ chạy làng thời cũng sa vòng lao lý vì cái tội "làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước". Bài học rút ra, ngày nay người nào giỏi thì không nên chọn cái nghề văn học hành thân nghiệp báo.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét