Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Đi đò ngang.


Hồi xưa, chiến tranh sập hết mấy cây cầu, việc vàng sang bờ kia phải lụy đò ngang.
Thường không phải đến bến là gặp đò ngay. Lấy tay hoa hoa vẩy đò. Hét vang cổ họng gọi đò ơi, ơi đò. Thấy đò trở mũi, chèo qua mới yên thôi gọi đò.
Dù vài ba khách bên này ngóng sang bên kia mà réo, cô lái bờ kia không người cứ vẫn chèo con đò sang đón. Cô đội nón, tay đưa đẩy mái chèo, xiêu vẹo với chiếc đò ngang.
Đến bến gặp ngay con đò sắp sang sông, ấy gọi là gặp thời. Qua sông gặp đò, không phải khan cổ mà gọi, sướng như buồn ngủ gặp chiếu manh...
Ngồi đò ngang thời đi mau lẹ. Ngồi cân đò, đông khách quá phải biết nhường đi chuyến sau. Năng chuyến hơn đầy đò. Gặp dông tố gió giật giữa dòng, bình tĩnh múc nước dưới khoang thêm hay bớt, giúp đỡ chèo đò. Lỡ thuyền lật, cô lái đò sẽ bơi như con cá kình tẩu thoát thân cô. Hành khách sống chết có mạng. Tất nhiên mấy mạng bơi giỏi là còn sống.


Nguyễn Bính làm thơ cô lái đò có đoạn :
" Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông
Cô lái đò xưa đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông "

Hermann Hesse ở bên Đức viết truyện "Siddharta" (1922) được giải Nobel văn chương (1946). Truyện nói có người Tất Đạt sống gặp thời ngài Cồ Đàm, trước lang thang dục vọng chán chường nhơn tình con cái, sau nhờ một tiếng "OM" gọi đò mà ngộ đạt. Xứ Huế, con cháu dòng vua chúa là bà Tôn Nữ Phùng Khánh ( ni cô Thích Trí Hải) dịch "Siddharta" qua tiếng Việt, tự đổi tên khác, hóa ra "Câu chuyện dòng sông".
Nguyễn Huy Thiệp cũng viết một truyện ngắn, đại khái nói lái đò nọ bơi giỏi đại kiện tướng, đã cứu hàng chục người thoát chết đuối. Nhưng khi vị lái đò kình ngư rủi rơi xuống nước, bị chuột rút, la hét van xin mọi người cứu với, cứu cho với. Chẳng ai nào nó xuống vớt cả.
Thiên hạ nghĩ vị lái đò ấy đùa chơi, nên để mặc cho chết.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét