Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Tan hoang Quảng Trị 72.


Năm 1954, nước Việt chia đôi, hai miền quốc cộng giao tranh triền miên súng đạn, vô vàm trận đánh nhỏ to khôn xiết. Xuân 1968, quân CS sanh sự tổng lực rầm rộ mấy ngày tết. Miền Nam rối loạn nguy cơ mất hết, may thay được Mỹ cứu giúp tai qua nạn khỏi.
Vài năm chưa sức bình an, đang mệt mỏi lo lắng những đốt xóm phá cầu bích kích quấy rối thời bất ngờ hè 1972, Bắc Việt lại dồn sức tống cho một ghê gớm mới.
Lần này, cộng quân đâm một lúc ba nhát dao vào cơ thể miền Nam. Bình Long An Lộc, Kontum Pleiku, Đông Hà Quảng Trị. Trận đánh Đông Hà Quảng Trị là cú thọc sâu liều mạng, ác hiểm nhất.
Ngày 30/3/1972, 12 giờ trưa, quân Bắc Việt pháo kích kinh hoàng các cứ điểm quân sự, khu dân cư Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị. Trên 6 sư đoàn chính quy, hằng trăm xe tăng, tiền xe hậu pháo, vượt cầu Hiền Lương, phối hợp tây Khe Sanh đánh xuống, đồng loạt nổ súng tràn chiếm thị xã Đông Hà, thành cổ Quảng Trị (2/5/1972), đuổi quân đội VNCH đến tận sông Mỹ Chánh.


Sư đoàn 3 bộ binh, tướng Vũ Văn Giai tại Ái Tử tẩu thoát về Quảng Trị rồi chạy vô Huế. Trung tá Phạm Văn Đính dẫn hết lính trung đoàn 56 ngược ra Bắc, đầu hàng CS.
Các đơn vị thủy quân lục chiến, dù, biệt động quân trú đóng tiền đồn đại bại, mọi cứ điểm đều bị CS tràn ngập. Lính tráng chết trận, ra hàng tù binh, tẩu tán bỏ chạy. Cầu sập, xe tăng cháy, quân rã ngũ, dân chúng kéo nhau tản cư hỗn loạn dưới làn đạn pháo VC dội xuống không nương tay. Người ta chết la liệt, thây phơi chật đất, thảm cảnh Đông Hà - Quảng Trị đại lộ kinh hoàng.
Chỉ khi lính dù, thủy quân lục chiến tăng viện, bình tỉnh tổ chức phòng ngự, đánh sập cầu Mỹ Chánh ngăn chận đoàn xe tăng VC cố ào ạt tiến vô Huế. Thêm phi cơ oanh kích, pháo phản pháo đích đáng vào bắc sông Mỹ Chánh mới chận đứng dòng thác quân Bắc Việt.
Ngày 3/5/1972, Tổng thống Thiệu sắc lệnh Ngô Quang Trưởng thay tướng Hoàng Xuân Lãm làm tư lệnh Quân đoàn I. Tướng Trưởng lập Bộ chỉ huy tiền phương ở Huế, củng cố tuyến phòng thủ bờ Nam sông Mỹ Chánh, giữ Huế chống cự hai gọng kìm Bắc và Tây.
Bấy giờ, những trận đánh dữ dội của quân Bắc Việt xuống bờ Nam sông Mỹ Chánh đều đã bị chặn đứng. Mặt trận An Lộc, Tây Nguyên giải tỏa, lính VNCH kéo về hỗ trợ cho Quảng Trị. Tổng thống Thiệu thị sát Quân khu I ngày 28/5/1972, ban quân lệnh chuẩn bị phản công.

Quân dù tướng Bùi Thế Lân mở hàng loạt trận đánh vùng tạm chiếm thăm dò tình thế. Ngày 28/6/1972, bộ tư lệnh Quân đoàn I phát động kế hoạch tái chiếm. Lính dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, thiết giáp chuẩn bị sẵn sàng. Sau các cuộc không tập dữ dội xuống vị trí tập trung VC, đúng 3 giờ sáng, lính dù vượt sông Mỹ Chánh, đánh thẳng về hướng Bắc. Các trận chiến ác liệt xảy ra. Lính dù phối hợp tốt, đẩy lùi quân địch co cụm về cố thủ trong cổ thành Quảng Trị.
Tiếp diễn, được không quân Mỹ hỗ trợ, súng đạn còn đủ đầy, tinh thần hăng hái, người lính VNCH cuối cùng đã đẩy lùi được quân CS về bên kia sông Thạch Hãn.
Sáng 15/9/1972, 8 giờ sáng, lính Cọp biển thủy quân lục chiến cắm ngọn cờ lên bờ thành đổ nát phía Tây. Hơn 1500 cán binh Bắc Việt quyết tử chỉ còn 10 người chạy thoát, kết thúc cuộc " tiến công chiến lược giải phóng".
Cổ thành Quảng Trị khi ấy bị san phẳng hoàn toàn vì mưa bom bão đạn. Từ bờ bắc sông Thạch Hãn đến bến Hiền Lương, Cam Lộ Đông Hà vẫn nằm trong tay VC. Mùa hè đỏ lửa 1972 qua đi thì Mỹ cũng rút quân, cắt giảm viện trợ, đưa chính quyền VNCH vô chỗ chết.
Hơn hai năm sau, ngày 19/3/1975, quân Bắc Việt lại vượt sông Thạch Hãn tiến vô chiếm hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, rồi Huế, rồi Đà Nẵng... rồi làm chủ trọn miền Nam.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét