Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012
Trần trụi thơ hay.
Thơ tiền chiến Bích Khê có mấy câu rên rỉ về sự lõa thể quả là ấn tượng.
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,
Ô tiên nương ! nàng lại ngự nơi nầy ?
Nàng ở mô ? Xiêm áo bỏ đâu đây ?
Ðến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Hai vú nàng ! hai vú nàng ! chao ôi !
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng....
Cái kiều diễm thời xưa ấy chắc nó thuần túy hơn sự nay. Công nghệ giả dạng silicon bơm độn người Tây hồi ấy chưa có phát minh để xứ ta du nhập nâng tầm. Xứ ta vốn xuất sắc trong mấy sự thỉnh thị "tinh hoa văn hóa" nước ngoại ấy mà.
Tội nghiệp Bích Khê. Ngắm nghía mấy cái tranh dân gian hay tranh Tàu mực xạ vẽ sự giai nhân lộ hàng độc lõa thể mà bàng hoàng run rẩy thế đó. Mới biết thời xưa nữ giới kín đáo lại cái hay vô cùng. Những xứ Ả rập Cô ran bắt buộc đờn bà con gái ra đường trùm kín mít từ đầu xuống chân, cho hở hai con mắt ngó thấy đàng. Ý đồ để kích động nghệ thuật "bàng hoàng" đám đàn ông khô ran sa mạc chăng.
Bên Mỹ tạp chí Playboy "triển lãm" sự kiều diễm nữ nó vô cùng. Mấy tố nữ Âu Tây sung chắc thi nhau lọt vô ống kính, được kỷ xão nghệ thuật in lên từng trang giấy bóng nhoáng thơm lựng. Tưởng tượng thi nhân An Nam ngày xưa nghiêng ngó, không biết họ sẽ ra sao đây. Có điều lạ, thời nay hình như xem "triển lãm" no nê quá, thi nhân ta cháy gai hết cảm xúc. Ngắm mỹ nhân khoe nét ngọc ngà mà lòng nguội ngắc như đá. Nhiều khi còn bâng quơ tự hỏi, không biết đồ thật hay đồ giả đó...
Hồ Xuân Hương, thế hệ thơ bà cao bà cố so với thủa Bích Khê ngắm tranh Tố Nữ. Tranh cổ đại nó bưng bít hơn. Bà Hương thì luôn cái nhìn xuyên thấu, thích vạch ra thôi.
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Ðôi lứa như in tờ giấy trắng.
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Xiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh,
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,
Trách người thợ vẽ khéo vô tình
Quả nhiên cái đời tiến lên vì nhu cầu thiên hạ đòi hỏi sự thỏa thích tới bến. Ấy lớp con cháu khi đã tới bến rồi thường tắt ngúm lửa lòng hết cả thơ hay. Nghĩ rằng trần trụi đã chạm trần rồi thời nên nhường chỗ cho mơ màng tưởng tượng e ấp che chắn để may còn chút thơ thẩn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét