Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Bổn phận người công dân.


1. Thi hành quân dịch.
Nước độc lập thì dân được tự do, hạnh phúc. Nước mất thì dân bị nô lệ, khổ sở. Cho nên mọi người công dân đều có bổn phận bảo vệ đất nước. Bảo vệ đất nước tức là bảo vệ an ninh của chính mình và gia đình mình vậy.
Muốn bảo vệ đất nước hữu hiệu, người dân phải được huấn luyện về quân sự trong một thời gian do luật định. Nhập ngũ trong thời gian đó tức là thi hành quân dịch. Vì vậy, thi hành quân dịch là góp phần bảo vệ đất nước.
Ở bất cứ một nước dân chủ nào trên thế giới, người dân cũng phải thi hành quân dịch để góp phần gìn giữ quê hương xứ sở. Quân dịch là một bổn phận cao quý và cũng là một vinh dự lớn lao đối với người dân yêu nước.
Người thanh niên đến tuổi trưởng thành phải sốt sắng thi hành quân dịch. Trốn tránh quân dịch là hèn nhát, không những bị dư luận khinh khi mà còn bị pháp luật kết tội.
2. Đóng thuế.
Muốn thực hiện những việc công ích như làm đường sá cầu cống, xây cất nhà thương trường học, trả lương công chức quân đội, v.v... quốc gia cần có tiền.
Tiền nầy do toàn dân đóng góp, gọi là đóng thuế. Vậy đóng thuế tức là góp phần kiến thiết xứ sở, đem lại hạnh phúc chung cho mọi người.
Nền tài chánh của quốc gia có dồi dào thì việc kiến thiết mới nhanh chóng, nước nhà mới cường thịnh, người dân mới được hưởng an ninh hạnh phúc. Vì vậy đóng thuế là bổn phận thiết yếu của mọi công dân. Người dân yêu nước sẵn sàng đóng thuế đủ số và đúng kỳ hạn. Trốn thuế, gian lận thuế không những bị mọi người khinh rẻ mà còn bị luật pháp nghiêm trị, vì như vậy là ăn cắp công quỹ, ăn cắp đồng bào.


3. Tuân theo pháp luật.
Trong xã hội có những lệ chung buộc mọi người phải theo để tránh sự xung đột. Thí dụ ta không muốn ai ăn cắp của ta, người khác cũng không muốn ta cắp của họ, mọi người đều không muốn người khác ăn cắp của mình. Thế là có lệ chung không ai được ăn cắp của ai. Lệ chung ấy là pháp luật.
Ở một nước dân chủ, pháp luật do Quốc hội soạn thảo, và như vậy phù hợp với ý nguyện của nhân dân.
Pháp luật đặt ra để duy trì an ninh trật tự trong xã hội, bảo vệ quyền lợi cho mọi người. Trong một xã hội, nếu ai cũng có thể làm thiệt cho người khác để mưu lợi ích riêng cho mình, thì xã hội ấy nhất định sẽ tan rã. Vì vậy, người công dân xứng đáng bao giờ cũng tôn trọng và tuân theo pháp luật.
Người trọng pháp luật tất nhiên tôn kính nhà chức trách có nhiệm vụ thi hành pháp luật.
Chính nhờ pháp luật quốc gia
Nhân dân yên ổn, nhà nhà êm vui.
4. Giữ vệ sinh chung.
Nhà ta ở có ảnh hưởng đến sức khỏe của ta và gia đình ta. Những nơi công cộng như ao, giếng, sông ngòi, đường sá có ảnh hưởng chung đến sức khỏe của mọi người.
Vì vậy, không những ta phải giữ vệ sinh cho bản thân và gia đình ta, mà còn phải giữ vệ sinh ở những nơi công cộng để bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh ta.
Ta phải giữ gìn sông ngòi, ao, giếng cho sạch sẽ để nước được trong lành, khỏi hại đến sức khỏe của mọi người. Ta cũng không nên phóng uế hoặc vứt những thứ dơ bẩn ra đường hay nơi công cộng. Ngoài ra, ta còn cần sốt sắng tham gia những công tác vệ sinh chung và vận động mọi người nhiệt liệt hưởng ứng.
Người giữ vệ sinh chung là người tự trọng và có ý thức công dân, ai cũng kính mến.
5. Bảo vệ rừng.
Rừng cung cấp cho ta rất nhiều lâm sản như gỗ, tre nứa, thực phẩm, thảo dược, v.v... Rừng là một nguồn lợi nuôi sống nhiều gia đình sơn cước. Việc khai thác rừng hằng năm đem lại cho ngân quỹ quốc gia một số tiền đáng kể. Rừng còn ngăn cản nước lũ, giúp ta tránh được nạn lụt.
Rừng có ích như vậy, nên ta phải bảo vệ để khỏi làm thiệt hại cho quốc gia và dân chúng.


Muốn bảo vệ rừng, ta không nên đốn những cây non hoặc đốn quang cả một khu rừng khiến cho cây không sinh sản được.
Để tránh nạn cháy rừng, ta phải cẩn thận khi đốt rừng khẩn hoang và phải hết sức thận trọng mỗi khi dùng lửa trong rừng. Khi xảy ra cháy rừng, ta phải tận tình chữa cháy và kêu gọi mọi người tham gia, đồng thời báo ngay cho cơ quan hữu trách địa phương.
Rừng là nguồn lợi vô biên
Ta cần bảo vệ, giữ quyền lợi chung.
6. Tôn trọng quốc kỳ.
Quốc kỳ là lá cờ riêng của quốc gia. Nó tượng trưng tinh thần bất khuất, ý chí độc lập, hùng cường của dân tộc.
Để tỏ lòng tôn trọng, khi thấy quốc kỳ đi qua hay lúc kéo lên, hạ xuống, ta phải ngả mũ, nghiêm chỉnh đứng chào
Ta cũng phải giữ gìn quốc kỳ sạch sẽ, không nên để rách nát phai màu và không được làm rơi dưới đất.
Màu cờ Tổ quốc nêu cao
Noi gương tiên liệt, máu đào tiếc chi.
7. Tôn trọng quốc ca.
Quốc ca là bài ca thiêng liêng của quốc gia. Cũng như quốc kỳ, quốc ca tượng trưng ý chí độc lập, hùng cường của dân tộc. Quốc ca chỉ được cử trong những dịp trọng thể.
Để tỏ lòng tôn trọng quốc ca, khi nghe hay hát quốc ca, ta phải đứng nghiêm chỉnh cho tới khi bài ca kết thúc.
Hồn thiêng sông núi đâu đây
Quốc ca hùng tráng, hăng say lòng người.
8. Tôn trọng kỷ luật quốc gia.
Đoàn thể cần có kỷ luật đoàn thể, học đường cần có kỷ luật học đường, quốc gia lại càng cần có kỷ luật quốc gia. Kỷ luật quốc gia có được tôn trọng thì guồng máy quốc gia mới được điều hành tốt đẹp, nước mới thịnh, dân mới yên.
Vì vậy mọi người có bổn phận tôn trọng kỷ luật quốc gia. Muốn thế, ta phải tuân theo pháp luật, kính trọng nhà chức trách, làm tròn nhiệm vụ của mình.


9. Ý niệm thông thường về giấy khai sinh.
Sau khi sinh trong vòng một tuần lễ, phải đến phòng hộ tịch xã khai sinh cho đứa nhỏ. Cần có hai người chứng trên 21 tuổi. Cần đem theo sổ gia đình, thẻ căn cước và giấy chứng nhận của nhà bảo sinh.
Trên giấy khai sinh ghi họ tên, ngày sinh, nơi sinh và tên ch mẹ đứa bé.
Giấy khai sinh rất cần để đi học, đi thi và lớn lên xin làm việc hoặc lập gia đình.
Những bản trích lục do phòng hộ tịch các xã cấp phát và có chính quyền địa phương thị thực chữ ký của Hội đồng xã được coi là hợp lệ.
Cũng được kể là hợp lệ tất cả các bản trích lục khai sinh hoặc chứng chỉ thế vì khai sinh do tòa án cấp phát.
Nếu không có giấy khai sinh Làm sao xin học, mai thành người khôn ?
10. Ý niệm thông thường về giấy khai tử.
Nhà nào có người chết phải khai trong 24 giờ tại phòng hộ tịch Tòa Hành chánh quận nếu ở Đô thành, hoặc phòng hộ tịch Hội đồng xã nếu ở thôn quê. Người khai phải có thẻ căn cước của người chết và hai người chứng.
Trên giấy khai tử ghi họ tên, ngày sinh, nơi sinh của người chết, ngày và nơi chết.
Việc khai tử giúp nhà chức trách biết rõ sự tăng giảm dân số trong nước và nguyên do người dân chết. Nếu chết vì bệnh truyền nhiễm thì sẽ tìm cách ngăn ngừa cho bệnh khỏi lan tràn. Nếu chết vì bị ám sát thì sẽ truy tầm thủ phạm, v.v...
Khi có người khai tử, y sĩ hoặc hội viên hộ tịch được phái tới nơi khám nghiệm tử thi trước khi cho phép chôn.
11. Ý niệm thông thường về giấy giá thú.
Vợ chồng khi kết hôn phải lập tờ giá thú tại phòng hộ tịch địa phương. Trên giấy giá thú có ghi họ tên, ngày sinh, nơi sinh ,nghề nghiệp, chỗ ở của chồng, của vợ, của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ và các người chứng.
Có giấy giá thú thì khi sinh con mới khai sinh được và vợ mới được hưởng quyền lợi khi chồng chết.
(Tám môn yếu lược, môn Đức dục - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét