Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Luyện rèn tính tốt.


1. Óc tổ chức.
Người có óc tổ chức khi đứng trước một việc gì biết phân chia ra làm nhiều phần, ấn định phần nào nên làm trước, phần nào nên làm sau, phân công phụ trách từng phần tùy theo khả năng, phối hợp chặt chẽ giữa những người phụ trách.
Từ những công việc to tát cho đến những việc nhỏ nhặt hằng ngày, việc nào cũng cần đến óc tổ chức thì mới không tốn thời giờ, công sức và kết quả mới tốt đẹp.
Có óc tổ chức ta sẽ không tốn công phí sức trước những việc dễ dàng. Nếu có gặp công việc khó khăn ta cũng không e ngại, lo lắng. Do đó ta thấy vui vẻ và hăng hái bắt tay vào việc. Trái lại, nếu thiếu óc tổ chức, ta sẽ mất nhiều thời giờ mà việc làm có khi cũng hỏng. Do đó ta dễ sanh ra chán nản, coi việc làm như một khổ dịch.
Công to việc nhỏ hằng ngày,
Có tài tổ chức là hay hơn người.
2. Trí sáng kiến.
Trí sáng kiến là trí luôn luôn tìm tòi những điều mới lạ để thay chỗ những cái hiện hữu.
Ông thầy luôn luôn cải tiến phương pháp giảng dạy. Bà nội trợ hằng ngày thay đổi các món ăn. Người thợ tìm cách sửa đổi lề lối làm việc. Ông kỹ sư càng ngày càng chế tạo thêm những máy móc tối tân. Nhà bác học đi từ những phát minh này đến những phát minh khác... Họ đều là những người có trí sáng kiến.
Nhờ có trí sáng kiến mà loài người đã tiến từ đời sống man rợ đến xã hội văn minh ngày nay và còn tiến xa hơn nữa.
Muốn gây trí sáng kiến, ta phải quan sát tìm tòi, suy luận và nhất là phải trau giồi tinh thần khoa học, chí tiến thủ. Không bao giờ ta nên tự mãn và phải luôn luôn cải tiến từ lề lối làm việc cho đến nếp sống hằng ngày
Trau giồi sáng kiến con ơi !
Tìm tòi học hỏi, giúp đời mai sau.


3. Óc cải tiến.
Người có óc cải tiến là người luôn luôn đổi mới từ dụng cụ, phương pháp làm việc đến tư tưởng và nếp sống cho tiến bộ hơn.
Người nông dân biết dùng cày máy thay cày tay, nhà chính trị lưu tâm thực hiện những cải cách xã hội, người dân biết sống theo đời sống mới... đều là những người có óc cải tiến.
Óc cải tiến giúp cho xã hội ngày thêm tiến bộ. Xưa kia, mọi công việc đều làm bằng tay. Ngày nay, máy móc đã thay cho sức người, mà máy móc mỗi ngày cũng một thêm tinh xảo, nên chế phẩm càng ngày càng tốt đẹp hơn, đời sống càng sung sướng hơn.
Muốn gây óc cải tiến, ta phải chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, luôn luôn sửa đổi lề lối làm việc và tích cực tranh đấu với những hủ lậu đã thâm căn cố đế.
Ai ơi góp sức canh tân,
Cho nước được mạnh, cho dân được giàu.
4. Tranh đấu với khó khăn.
Hằng ngày ta thường gặp những trở lực trong công việc: ốm đau, thời tiết xấu, sự rủi ro, sự thiếu thốn phương tiện, v.v... Ta phải bền gan tranh đấu vượt những khó khăn này, không nên khoanh tay chịu thất bại.
Có tinh thần phấn đấu với khó khăn, ta sẽ thành công trong việc nhỏ cũng như việc lớn. Trở lực càng nhiều, sự thắng lợi càng vẻ vang.
Muốn thắng được mọi khó khăn, ta cần phải kiên nhẫn.


5. Tranh đấu với hủ tục.
Nước ta có rất nhiều thuần phong mỹ tục nhưng cũng còn ít nhiều hủ tục như tảo hôn, ma chay,đốt vàng mã, làm ma sống...
Những hủ tục này làm cản trở sự tiến bộ của dân tộc. Chúng ta phải triệt để bài trừ ngay trong gia đình, tộc thuộc và phải giải thích cho người chung quanh ta tránh những mê tín dị đoan và bỏ những hủ tục không hay, tốn tiền vô ích.
6. Làm việc phải có tin tưởng.
Làm việc gì ta phải hết lòng tin tưởng vào việc ấy, nghĩa là chắc chắn rằng việc làm của ta sẽ hữu ích, sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Có tin tưởng như thế thì mới cố gắng, phấn khởi, sáng suốt mà làm việc, gặp trở ngại không lùi, do đó mới thành công mỹ mãn.
Trái lại, thiếu tin tưởng, ta sẽ làm việc uể oải, tắc trách, nên tất nhiên sẽ thất bại.
7. Làm việc có phương pháp.
Làm việc có phương pháp là biết tổ chức việc làm cho hợp lý, biết đặt chương trình, kế hoạch hẳn hoi, không gặp đâu làm đấy.
Từ việc nhỏ đến việc to, bất cứ làm việc gì cũng phải có phương pháp thì việc làm mới chu đáo mà lại lợi thời giờ. Ngay từ khi còn nhỏ, ta phải làm việc có phương pháp thì sau này mới đủ tài làm các công việc lớn.


8. Lương tâm nghề nghiệp.
Có lương tâm nghề nghiệp là hiểu biết trách nhiệm của mình, đem hết năng lực, tâm trí ra làm việc, không quản khó khăn, không tiếc thì giờ, dù có phải hy sinh vì nghề nghiệp cũng đành lòng.
Người thợ nề xây tường cẩn thận, ông bác sĩ đi thăm bệnh nhân trong đêm mưa gió, người công chức làm việc mau lẹ và chu đáo cho dân... đều là những người có lương tâm nghề nghiệp.
Nghề nghiệp của ta không những có lợi ích thiết thực cho ta mà còn ảnh hưởng đến sự tiến bộ của xã hội. Nếu ta làm việc tắc trách thì không những sẽ có hại cho ta, mà còn hại lây đến người khác. Cho nên làm nghề gì, ta cũng phải đem hết lương tâm ra phục vụ.
Người có lương tâm nghề nghiệp không những đạt được kết quả mỹ mãn, tâm hồn được khoan khoái, mà lại được mọi người kính mến.
9. Liêm khiết.
Người liêm khiết là người công bằng, ngay thẳng, trong sạch, không vì lợi mà làm điều nhơ nhuốc, bao giờ cũng đặt việc nước lên trên việc nhà, việc công lên trên việc tư.
Người thợ không ăn cắp vật liệu và không làm phí thời giờ của chủ. Nhà buôn không cân gian, đo thiếu, không bán giá quá cao. Người công chức không lạm dụng công quỹ, không ăn hối lộ của dân... Họ đều là những người liêm khiết.
Người liêm khiết lúc nào cũng giữ được tâm hồn trong sạch, lương tâm thanh thản. Lúc bần hàn thì an phận không tham vọng cao xa, khi hiển đạt không ỷ quyền cậy thế, cho nên ai cũng kính trọng, mến phục.
Trong một quốc gia, nếu từ nhà cầm quyền cho đến người dân, ai ai cũng liêm chính thì nước nhà sẽ an ninh, thịnh trị.
(Tám môn yếu lược, môn Đức dục - VNCH)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét