Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015
Sự làm việc.
1. Cần phải làm việc.
Sự làm việc làm cho thân thể được khỏe mạnh, tinh thần được minh mẫn, tâm hồn được vui tươi lành mạnh.
Có làm việc thì mới chu cấp được mọi thứ cần thiết cho gia đình, mới đảm bảo được tương lai cho con cái. Nếu không cần cù làm việc thì gia đình sẽ lâm vào cảnh túng thiếu mất hạnh phúc, làm khổ sở cho các con.
Từ bát cơm ăn cho đến quần áo mặc, căn nhà ở, v.v..., tất cả những vật dụng to nhỏ đều do xã hội cung cấp cho ta. Xã hội sở dĩ càng ngày càng tiến bộ hơn, đời sống sở dĩ mỗi ngày một tốt đẹp hơn là do sự làm việc không ngừng của mọi người.
Vì vậy, ta có bổn phận phải làm việc để đền ơn xã hội, để góp phần vào sự tiến bộ của đất nước và nhân loại.
Những kẻ ăn không ngồi rồi thân thể yếu ớt vì không vận động, trí tuệ không mở mang vì không suy nghĩ. Nhiều khi nhàn rỗi họ sanh ra đam mê rượu chè, cờ bạc, thuốc sái. Những cảnh ấy sẽ đưa họ đến cõi khổ cõi chết. Họ đã không giúp ích gì được cho gia đình, lại còn làm hại cho xã hội.
2. Nghề nào cũng cao quý.
Ta cần rất nhiều thứ để làm thỏa mãn những nhu cầu của đời sống. Những thứ nầy không ai có thể tự cung được đầy đủ, cho nên phải cần đến những người khác. Người cung cấp thứ nầy, kẻ cung cấp thứ kia, trao đổi lẫn cho nhau.
Dù làm nghề lao tâm hay nghề lao lực, người làm nghề nầy phải cần đến kẻ làm nghề khác, vì vậy nghề nào cũng cao quý.
Có những nghề làm bằng trí óc nhiều hơn gọi là nghề lao tâm, và những nghề làm bằng chân tay nhiều hơn gọi là nghề lao lực.
Những người làm nghề lao tâm góp phần quan trọng vào sự tiến bộ của quốc gia và nền văn minh của nhân loại. Ta phải nhận rõ sự cần thiết về giá trị của nghề lao tâm và không nên gây chia rẽ giữa những người lao động chân tay và lao động trí óc.
Chính những người làm nghề lao lực như thợ mộc, thợ nề, thợ nhà máy, v.v... đã sản xuất ra mọi thứ cần dùng cho đời sống của ta và đã xây dựng nên xã hội văn minh ngày nay. Từ hạt gạo ta ăn, quần áo ta mặc, cho đến máy móc, tàu bè... thứ gì cũng đều do tay người thợ làm ra cả. Ta phải kính mến và biết ơn những người làm nghề lao lực.
3. Trọng mọi nghề.
Dù là nghề lao lực hay nghề lao tâm, nghề nào cũng giúp ích cho xã hội và có liên quan mật thiết với nhau.
Nhà nông sản xuất ra thóc gạo, nhưng phải nhờ người thợ rèn cung cấp cho cái cày, cái cuốc. Ông kỹ sư phát minh ra máy móc, nhưng phải có thợ mới làm được những máy này. Ông kiến trúc sư vẽ ra kiểu nhà, nhưng nếu không có thợ mộc, thợ nề thì lấy ai xây cất ? Vì vậy, nghề nào cũng đáng trọng cả, không nên coi nghề này sang, nghề kia hèn.
Con ơi phải trọng mọi nghề,
Chớ thấy cực nhọc mà chê là hèn.
4. Chọn nghề.
Ta phải chọn nghề hợp với khả năng và sức lực của ta. Có khiếu về vẽ mà lại học nghề chạm thì ắt khó thành công. Người yếu mà theo học nghề rèn thì hẳn là cũng sẽ thất bại.
Nghề có hợp với khả năng của ta thì mới đem lại kết quả tốt đẹp và ta mới thấy hứng thú trong khi làm việc. Do đó ta mới cố gắng làm cho nghề ngày thêm tinh xảo.
Nếu bạ nghề nào làm nghề ấy, ta sẽ không tha thiết với nghề, Gặp nghề dễ thì coi thường, gặp nghề khó thì chán nản rồi đứng núi nầy trông núi nọ, không bao giờ thành công được.
Muốn chọn nghề, ta cần xét kỹ khả năng của ta, chớ nên có cao vọng làm nghề quá sức mình, cũng đừng cho nghề nào là hèn kém.
5. Yêu nghề.
Yêu nghề là tha thiết với nghề, coi nghề mình làm là một nguồn hứng thú, không bao giờ rời bỏ để làm nghề khác
Người yêu nghề tất nhiên là trọng nghề, vì hiểu rằng nghề mình không những nuôi sống mình và gia đình mình, mà còn có mục đích phụng sự xã hội, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại.
Có yêu nghề ta mới tìm thấy thú vui ngay trong khi làm việc, mới tận tụy hy sinh, mới cố gắng cải tiến cho nghề thêm hoàn hảo, ngõ hầu giúp ích cho ta và cho xã hội.
Muốn trở nên người biết yêu nghề, ta phải làm việc chuyên cần, không coi nghề mình kém nghề khác, và nhất là không nên nay làm nghề này, mai xoay nghề khác.
6. Trau giồi nghề nghiệp.
Trau giồi nghề nghiệp là làm cho nghề ngày thêm tinh xảo, tiến bộ.
Nghề có tiến bộ thì mới đem lại cho ta nhiều mối lợi, khiến cho đời sống của ta ngày thêm sung sướng, tương lai gia đình ta thêm vững chắc.
Nghề có tiến bộ thì mới thỏa mãn được những nhu cầu phức tạp của mọi người, do đó mới thiết thực phụng sự xã hội.
Muốn trau dồi nghề nghiệp, ta phải có chí cầu tiến, óc sáng kiến, biết rút ưu khuyết điểm trong việc làm và cố gắng học tập kinh nghiệm của người khác.
Người biết trau dồi nghề nghiệp lúc nào cũng tìm thấy hứng thú trong việc làm, vì mỗi bước tiến là một nguồn vui, mỗi sự thành công là một điều khích lệ.
(Tám môn yếu lược lớp Nhất, môn học Đức Dục - VNCH)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét