Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012
Bể dĩa đồ xưa.
Nhà khảo cổ học phán đoán cái tàu đắm vùng biển gần bờ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là do đánh nhau với cướp biển để cháy chìm, vô tình trao lại đời sau số chén dĩa xưa quý báu phúc ai nấy hưởng
Nguyên biển Bình Châu trước đây là nơi bọn lái buôn Tàu ô hay Mã lai, Chà và hoặc Ả rập chở tô chén bát dĩa China ghé dừng tàu chơi bời ít bữa rồi mới viễn du xuôi ngược.
Tàu chìm ấy dài chừng 21 mét, rộng 3,5 mét, có vô số gốm sứ đồ dùng kết dính từng chồng bị vùi đáy cát. Sự cố tàu cháy thuyền chìm tự hồi nhà Nguyên thế kỷ XIV, cách nay gần 700 năm, thành ra đồ chén dĩa cổ trên tàu ấy quý giá vô cùng.
Theo giới buôn đồ cổ, giá trị cao nhất mấy cái dĩa men ngọc còn nguyên. Mỗi dĩa có giá khoảng 40 triệu đồng, đến khi lái buôn đổ về nhiều, niên đại dĩa được bác học cho lùi thêm 100 năm nữa, thời giá dĩa tăng từng giờ 60, 70 rồi 100 triệu không có mà mua !
Dân chúng tin đồn mấy thợ lặn đầu tiên gặp con tàu, bèn âm thầm lặng lẽ bê mấy chồng dĩa nguyên vẹn, dú diếm đem bán cả chục tỷ đồng.
Tiếng lành đồn xa, thiên hạ tranh nhau vùng biển này, lặn xuống xúm lại tàu đắm tìm mọi cách mò hút giành giật cổ vật. Kẻ lôi người kéo, kẻ hút người xúc, thấy có chén dĩa thời lao vô xâu xé nhau thậm tệ.
Chánh quyền cũng không bỏ lỡ cơ hội. Nhân viên công lực nhơn danh chế độ, "sở hữu quốc gia", xông vô đòi quyền làm chủ hết chén dĩa thiên hạ mò lặn.
Công chủ quyền đợi thợ lặn lên tịch thu "di sản", tư hối hả lặn mò tìm rồi dú diếm. Giành giật mấy cái dĩa bát, tô tách rộn bộ, dĩa lành đồ cổ hóa ra dĩa bể đồ xưa rồi đem nộp "chánh phủ".
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét