Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015
Quyền lợi căn bản của người công dân.
1. Quyền tự do.
Tự do rất quý. Trong một nước độc lập, mọi người đều có quyền sống tự do, nghĩa là suy nghĩ và hành động theo ý mình. Đương nhiên, người này phải tôn trọng tự do của người khác thì xã hội mới có an ninh trật tự, do đó không được lạm dụng quyền tự do quá mức.
Xã hội dân chủ, công dân được hưởng các quyền tự do căn bản như quyền tư hữu, quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do lập hội...
- Quyền tư hữu:
Mọi người đều có quyền có tài sản riêng và sử dụng tài sản ấy theo ý mình, không ai được xâm phạm đến. Quyền ấy là quyền tư hữu. Các nước theo thể chế tự do dân chủ, quyền tư hữu của công dân được triệt để tôn trọng
- Quyền tự do ngôn luận:
Tự do ngôn luận là tự do phát biểu tư tưởng, ý kiến của mình bằng lời nói hay bằng sách báo. Dân có quyền tham gia việc nước, tất nhiên có quyền bày tỏ ý kiến của mình đối với những vấn đề hệ trọng của quốc gia.
Giới hạn tự do ngôn luận: không được vu khống hay mạ lỵ người khác, không được truyền bá những tư tưởng độc tài có hại cho dân cho nước, phạm đến thuần phong mỹ tục.
"Sống mà không có tự do,
Khác nào con vật nằm co trong chuồng."
2. Quyền bầu cử và ứng cử.
- Quyền bầu cử:
Công dân có quyền và có bổn phận chọn người thay mặt mình trong các cơ quan công quyền. Đó là quyền bầu cử. Như ở nước ta, Tổng thống và Phó Tổng thống, Nghị sĩ Thượng viện, Dân biểu Hạ viện, Nghị viên Hội đồng tỉnh hay Đô thành, Hội viên Hội đồng xã đều do dân bầu.
Tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử. Chỉ có những người can án hay điên khùng mới mất quyền bầu cử.
Trong một nước dân chủ tự do, việc bầu cử được tổ chức theo thể thức phổ thông, trực tiếp và kín. Nghĩa là tất cả công dân đến tuổi trưởng thành, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, giai cấp đều được tự mình bầu thẳng người mình lựa chọn bằng phiếu kín.
- Quyền ứng cử:
Xã hội tự do dân chủ như nước ta, công dân nào hội đủ những điều kiện luật định cũng có quyền tham gia việc nước bằng cách ứng cử vào những chức vụ và cơ quan dân cử như Tổng thống và Phó Tổng thống, Quốc hội, Hội đồng tỉnh hay Đô thành, Hội đồng xã.
Tuy ứng cử là quyền của mọi công dân, nhưng người nào có đủ tài đức gánh vác việc dân, việc nước mới nên ra tranh cử.
"Những ai yêu nước thương nòi,
Hãy ra ứng cử đem tài giúp dân."
(Theo Tám môn yếu lược - VNCH)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét