Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Tổ chức chánh quyền.


Chính quyền là quyền điều khiển việc nước. Dưới thời phong kiến, chính quyền tập trung trong tay nhà vua. Ở các nước độc tài chuyên chính, mọi quyền hành đều do một cá nhân hay một đảng phái nắm giữ.
Ở các nước tự do dân chủ, chính quyền được tổ chức theo nguyên tắc "Tam quyền phân lập" giữa quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Sự phân quyền này rất cần thiết vì tránh được nạn độc tài, đảng trị.
1. Quyền Lập pháp.
Quyền lập pháp là quyền đặt ra các đạo luật mà toàn dân có bổn phận tuân theo. Ở một nước dân chủ, quyền lập pháp thuộc về nhân dân. Nhân dân bầu người tài đức đại diện cho mình giữ quyền lập pháp. Pháp luật do dân đặt ra mới không phản lại quyền lợi của dân, và như vậy mới thực sự dân chủ.
Quốc hội gồm những đại diện do dân bầu lên để giữ quyền lập pháp. Ở nước ta, quốc hội sẽ chia làm hai viện: Thượng nghị việnHạ nghị viện.
Quốc hội có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp (Quốc hội lập hiến), biểu quyết các đạo luật, kiểm soát Chánh phủ và tham dự mọi hoạt động của quốc gia.
Muốn làm tròn nhiệm vụ trên, các Nghị sĩ và Dân biểu được hưởng quyền tự do phát biểu ý kiến và quyền bất khả xâm phạm.
"Quốc hội do dân bầu lên,
Vì dân tranh đấu giữ quyền lợi chung."


2. Quyền Hành pháp.
- Chánh phủ:
Quyền hành pháp là quyền thi hành những đạo luật do cơ quan lập pháp soạn thảo để điều khiển guồng máy quốc gia. Quyền hành pháp thuộc Chánh phủ. Đứng đầu Chánh phủ là Thủ tướng. Chánh phủ gồm nhiều bộ. Mỗi bộ do Bộ trưởng hay Tổng trưởng đảm trách điều hành mọi công việc trong phạm vi chuyên môn như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Thanh niên...
- Tổng thống:
Theo Hiến pháp của nước ta, vị nguyên thủ quốc gia là Tổng thống có Phó Tổng thống phụ tá. Tổng thống và Phó Tổng thống đều do dân bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu.
Tổng thống chỉ định Thủ tướng thành lập Chánh phủ. Tổng thống và Dân biểu đều có thể đưa ra Quốc hội xem xét và biểu quyết các dự án luật. Nếu được Quốc hội chấp thuận, những dự án luật này sẽ được chuyển đến Tổng thống để duyệt y và ban hành.
Chánh phủ có nhiệm vụ thi hành những đạo luật ấy để điều hành mọi công việc quốc gia.


3. Quyền Tư pháp:
Quyền Tư pháp là quyền kiểm soát và bảo vệ luật pháp, xét xử những vụ vi phạm sinh mạng, tài sản, an ninh và trật tự quốc gia.
Quyền tư pháp thuộc về Tối cao Pháp viện và các Tòa án. Tòa án hoàn toàn độc lập đối với quyền hành pháp và quyền lập pháp, nghĩa là được toàn quyền xét xử theo công lý và lương tâm, không bị một áp lực nào chi phối. Có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân.
"Tòa án độc lập hoàn toàn,
Chẳng ai ỷ thế dám can thiệp vào."
Tư pháp phân biệt hai loại thẩm phán: thẩm phán xử án và thẩm phán công tố.
Thẩm phán xử án chuyên xét xử các vụ kiện. Thẩm phán công tố đại diện Chánh phủ buộc tội những kẻ vi phạm pháp luật để duy trì an ninh, trật tự công cộng.
Có ba cấp tòa án: Tòa Hòa giải rộng quyền, Tòa Sơ thẩm, Tòa Thượng thẩm. Ngoài ra còn có Tối cao Pháp viện. Tùy theo các vụ án, người ta chia ra nhiều loại tòa án: Tòa án Quân sự, Tòa án Lao động, Tòa án Hành chánh, Tòa án Thiếu nhi...
(Theo Tám môn yếu lược lớp Nhất - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét