Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Một học giả uyên thâm - Trương Vĩnh Ký.


Trương Vĩnh Ký, người làng Vĩnh Thạnh, tỉnh Kiến Hòa, sanh năm 1837, mất năm 1898.
Ông là bậc kỳ tài có một không hai của nước Việt Nam. Ông thông thạo chữ Hán, chữ Quốc ngữ và biết rành nhiều tiếng ngoại quốc như Pháp, Anh, Hy Lạp, La tinh, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha, Lào, Nhựt Bổn.
Khi Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp để xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông theo làm thông ngôn, được nhiều danh nhân Pháp rất mến phục.
Lúc về nước, ông làm giáo sư rồi được sung vào Cơ mật viện giúp việc giao thiệp giữa triều đình Huế và Soái phủ Pháp ở Saigon. Nhưng vì hai bên Việt và Pháp nghi kỵ mãi nhau nên nhiệm vụ của ông thật là khó khăn, phiền phức.
Không buộc mình trong vòng công danh phú quý, ông chỉ mong đem sự hiểu biết của mình mà bồi đắp nền văn học nước nhà.
Ông quản nhiệm tờ báo đầu tiên trên đất Việt là tờ Gia Định Báo, với ý định truyền bá chữ Quốc ngữ và cổ động tân học.


Ông chép những thơ truyện chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Lục súc tranh công, Đại Nam quốc sử diễn ca,v.v...
Ông dịch các sách chữ Hán ra quốc âm để bảo tồn đạo lý của Đông phương.
Ông tham khảo sách vở Âu Tây, soạn ra sách bằng tiếng Việt để phổ biến trong dân chúng những điều hay lạ của các cường quốc.
Ông lại còn làm nhiều sách dạy tiếng ngoại quốc như Pháp, Tàu.
Số sách của ông soạn thảo có hơn 100 quyển gồm đủ các loại giáo khoa, lịch sử, địa lý, cách trí, giải trí, từ điển.
Nhận xét:
Trương Vĩnh Ký là một học giả uyên thâm có công truyền bá chữ Quốc ngữ làm cho nền văn học Việt Nam càng ngày càng phong phú.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)


Bài đọc thêm:
Tuyệt bút
"Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai, 
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời. 
Học thức gửi tên con mọt sách, 
Công danh rốt cuộc cái quan tài. 
Dạo hòn, lũ kiến men chân bước, 
Bò xối, con sùng chắt lưỡi hoài ! 
Cuốn sổ bình sanh công với tội, 
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai."
(Bài thơ cụ Trương Vĩnh Ký viết trước khi tạ thế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét