Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011
Canh bí đao
Hoa bí ngô vàng rực trông thật đẹp. Nhớ hồi trước, nhà có đất vườn thường thì hay làm giàn trồng bí bầu, mướp ngọt, lấy quả làm thức ăn theo mùa, hay đem ra chợ bán.
Cái hoa đẹp ấy giá trị "thực tế", nó gắn bó với người ta ở nhà quê nghèo rộng rãi.
Nhìn hoa lại nghĩ người văn nghệ sĩ thường cố đòi cho được "trăm hoa đua nở" để văn chương cơ may tiến bộ thêm chút chi đó, thoát khỏi cái ao tù bí bít quá ư cơ hội. Tư tưởng tự do văn nghệ ấy sẽ bị những lo sợ ra tay "dẹp loạn văn chương nổi dậy" để cụ "đồ tây" viết vài ba "văn học" bóng gió khía cạnh lâm nạn chụp cổ lôi đi. Cụ Phan Khôi - cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu - văn bút chủ lực báo Phụ nữ Thời đàm từng mắc họa.
"Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chổ nào là không có…
Có nơi gọi cây trên là cỏ Bù xít, vì có mùi hôi như Bọ xít, có nơi gọi là cây Cứt lợn, hoặc cây Chó đẻ… những tên đó đều không nhã tí nào, người có học không gọi như vậy, mà gọi từ "cây Chó đẻ" sang "cây Cộng sản".
Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931 đồng thời với Đông Dương Cộng sản đảng hoạt động, phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đăt tên cho nó là «herbe communiste », đáng lẽ dịch là "cỏ Cộng sản", nhưng nhiều người gọi là cây Cộng sản. Nó còn một tên rất lạ là "cỏ cụ Hồ". Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường sá, đồi, đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó là như vậy..."
Thật ra nhà quê quan tâm đến các loại cỏ, ít bỏ công đàm luận lai lịch, căn cứ tên tuổi, nguyên nhân cấu tạo như mấy bậc văn, thơ trí thức. Dân quê thường để ý đến cái tác dụng phân xanh hay cách tiêu diệt tệ tiệt mà thôi. Cỏ chó đẻ hay cỏ cụ Hồ, cây cức lợn hay cây CS gì cũng được, miễn là cuối mùa Đông, loài cây cỏ mọc nhiều này sẽ nhổ vứt xuống hố làm phân xanh trồng bí.
Kinh nghiệm nhà vườn xưa, đào hố rộng 0.5 m, sâu cở 0,7 m, dài thì tuỳ ý. Nhổ cỏ ấy cho xuống hố. Cứ lớp cỏ lớp phân (heo, trâu,bò...), tưới nước tiểu lên, ủ thời kỳ cho nó phân hoá hết "bản chất phân tươi phản động", lấp đất lại rồi trồng hoặc gieo hạt bí đao, bí ngô lên, sẽ tha hồ thu hoạch quả lớn về sau.
Quả bí đao nấu canh rất ngon và bổ, lại nhuận trường. Quá tốt cho người táo bón.
Tuy nhiên, nếu quá bổ dưỡng mà cứ trường kỳ bắt ta ăn canh bí đao mãi, thì cũng đại họa cái bao tử người vốn thích nhiều vị.
Cuộc đời đa sự đều cũng vậy. Một loài hoa đẹp giành quyền thống trị trăm hoa, chặt chém hết mọi loài hoa khác sẽ tỏ ra nó quá dã man. Trăm hoa khoe sắc bị thay thế duy nhất một loài hoa Cức lợn ai mà chịu cho thấu ?
" Một nhà nọ mời gia sư về dạy con học, ăn uống hàng ngày cho gia sư thật là đơn giản, mỗi bữa chỉ có một bát canh bí đao. Gia sư hỏi chủ nhà :
- Ông thích canh bí đao lắm à ?
- Vâng, đúng vậy, Bí đao ăn rất ngon, lại có tác dụng làm sáng mắt. Ăn bí đao rất có lợi cho mắt.
Một hôm chủ nhà vào phòng học, thấy gia sư đứng dựa cửa sổ nhìn ra xa xăm, cố ý làm như không biết chủ nhà vào. Chủ nhà bước đến phía sau gia sư mà chào, gia sư mới quay lại nói :
- Tôi đang xem trong thành phố diễn kịch, không biết ông vào, mong ông thông cảm.
Chủ nhân ngạc nhiên :
- Trong thành phố diễn kịch mà ông ở đây nhìn thấy được à, nhìn như thế nào vậy ?
Gia sư nói :
- Từ ngày ăn canh bí đao của nhà ông đến nay, mắt tôi càng ngày sáng ra."
(Truyện cười dân gian VN)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét