Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Dục vọng Sigmund Freud.


"Jie yóu wú shĭ tan chen chi", nhơn loại sầu thảm chuyện giai do dục vọng. Diệt dục thời con người sẽ bình an không còn sân si thù hận.
Nói vậy thôi, chứ dập hết bản năng lửa dục thời sự sống dần dà xoá sổ bởi hết sanh sản là hết tiến hoá, hết văn minh, trái đất thành ra hành tinh chết.
Có ông bác sĩ S.Freud người Do Thái ở nước Áo ngâm cứu, rồi bày ra cái gọi là Phân tâm học, lý giải về những thèm khát dục vọng con người.
Chuyện triết là chuyện rắc rối, dài dòng, chữ nghĩa vòng vo của mấy bác học ngâm cứu rồi ra vẻ ta đây hàn lâm khinh khỉnh. Ví dụ có con ruồi bu, nhà triết học bèn diễn tả con ruồi ấy ra toàn tập 53 cuốn, đọc rồi cũng chả biết đống sách viết cái gì gì. (thực ra cũng chẳng ai thèm đọc). Tuy nhiên một vài "học giả" hốt trọn bộ về bày tủ sách đặt phòng khách dọa thiên hạ chơi....
Trở lại bác S.Freud. Nôm na nói cho dễ hiểu, Phân tâm học ấy nó như sau đây:
Mấy cô chưa chồng hay mắc phải bệnh "Hysteria", tự nhiên các cô mê man, ngất xỉu, quằn quại, nói sảng như bị tà nhập. Bác sĩ bèn nhờ đờn ông đến xoa xoa bóp bóp cho, thì thấy có hơi trai vào, quý cô mới hết được "bệnh lạ."


Từ đó, bác Freud phát hiện tâm thần con người nhiều chuyện:
1. Bản năng tình dục (Libido vô thức)
Là sự thèm khát nhục dục xác thịt, muốn tìm cách thỏa mãn vật dục lập tức. Đây là bản năng truyền giống để sanh sản. "Tương ứng với cái vô thức là cái nó - Id, cái nó là nguồn gốc nguyên thuỷ của các ham muốn sinh vật, là thùng chứa năng lượng tinh thần, là cái chảo sùng sục những khát vọng, bản năng. Cái nó hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm, nghĩa là thèm khát muốn thoả mãn ngay tức khắc những khát vọng bản năng."
2. Cái tôi điều chỉnh (Ego ý thức)
Khả năng kiềm chế dục vọng cho phù hợp phần người. Vừa kiềm chế vừa tìm cách thoả mãn, điều chỉnh hợp lý để giải tỏa cái ẩn ức dục vọng đè nén bên trong.
3. Đạo đức nhân cách (Superego siêu tôi)
Những giá trị lý tưởng, văn hóa, có tính quy ước xã hội kiểm duyệt cái tôi, không cho vi phạm đạo đức bằng cách đàn áp dục vọng, cố bóp chết hết mọi dục vọng. Mấy tu sĩ khổ hạnh, các nhà đạo đức học thì thường là có cái "siêu tôi" rất to tát, sự ngã mạn của họ vô cùng lớn.
4. Cuộc chiến đấu giữa đạo đức và dục vọng
Giữa bản năng muốn thoả mãn dục tình bị chận đứng bởi đạo đức sinh ra căng thẳng dữ dội trong  tiềm thức. Giải toả căng thẳng ấy, sinh ra vô số cơ chế điều tự vệ: cơ chế chèn ép, cơ chế phóng chiếu, cơ chế thay thế, cơ chế hợp lý hoá, cơ chế hành động đối nghịch, cơ chế thoái lui, cơ chế phủ nhận, cơ chế thăng hoa. Những cơ chế này để dung hoà hai lực, kiểm soát sợ hãi để quay về trạng thái cân bằng.
Đời sống tinh thần quy định bởi khát vọng tình dục như một tảng băng trôi. Phần nổi ít ỏi là Ý thức, tiếp giáp là Tiềm thức, phần chìm to lớn ấy khối Vô thức đồ sộ khát khao muốn được thỏa mãn.


5. Hành vi con người
Hai cái xung lực cốt cán quy định hành vi của con người là bản năng tình dục để sốngbản năng huỷ hoại để chết.Nhờ cái bản năng đòi hỏi nhục dục nó cao hơn nên con người mới có thể tồn tại được. Con người khoẻ mạnh là con người cân bằng lý trí dục vọng. Những này nọ bịnh hoạn tâm lý, hiểu cơ chế thì mới trị dứt gốc.
Vài điều dẫu sơ sài về cái học thuyết "phân tâm" này, đọc cũng thấy mệt huống chi viết. Quý vị nào khoái ngâm cứu sâu xa học thuyết của Freud thì đọc các tác phẩm sau : "Nghiên cứu về Hysteri", “Đoán giải những giấc mơ”,“Ba tiểu luận về học thuyết tính dục”, "Dẫn luận phân tâm học ", "Totem và cấm kỵ", "Nguyên tắc siêu việt và khoái lạc", "Tự ngã và bản ngã", vân vân.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét