Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Tái cơ cấu ụ sắt gỉ.


Chuyện kinh dị có thật, anh chàng nọ chán đời buồn lao đầu máy cưa xưởng gỗ hàng xóm chết tại chỗ, ngày đưa đám không biết sao vùng vằng khiến quan tài bật nắp 3 lần.
Sau sự vụ đó, nhà chủ xưởng cưa thấy sợ hãi, bèn tháo máy cưa đang tốt ra bán sắt phế liệu. Lại thuê thợ nề cạy nền nhà xưởng bỏ cũ thay mới. Việc làm để khử tà khí, tránh cái âm hồn tự sát nó khỏi đeo đẳng phá quấy - quả nhiên dứt khoát, quyết đoán.
Sự gọi "tái cơ cấu" xưởng cưa trên, chuyện đó ít người biết vì là nhỏ bé tư nhân gia đình, còn cái sự "tái cơ cấu" ngành Hàng hải nó vĩ mô quá, thiên hạ đều rõ rệt.
Ngóng biển Đông mặt tiền, vươn ra bể lớn, xây cảng biển nước sâu, lập đội thương thuyền, mua ụ tàu sửa là chủ trương "lớn" đúng mà lại đắng. Vinashin phá hơn 100 nghìn tỷ đồng, cha con Phan Thanh Bình trong tù kêu oan chống án . Tái cơ cấu Vinashin thành Vinalines cho nó hiệu quả, "đến năm 2012 sẽ có lãi" để năm 2012 phá thêm mấy chục nghìn tỷ đồng nữa. Trưởng "cơ cấu" Dương Chí Dũng nhờ số má cao tẩu thoát mất dạng.
Nay có chủ trương " tái cơ cấu Vinalines" tiếp. Thiên hạ tự hỏi, không biết đợt "tái cơ cấu" này nó sẽ còn phá tiếp bao nhiêu nghìn tỷ ngân sách nữa đây.
Lâu nay bưng bít dú diếm, nay báo chí "tình cờ phát hiện" thêm một cái ụ nổi nữa. Từ ụ nổi N83M nằm chơi xơi bạc, té ra còn thêm ụ sắt gỉ sét Venture Dock 2 nặng 12.500 tấn, trị giá 230 tỷ nổi trước đảo Bình Lập (vịnh Cam Ranh) đồng cảnh ngộ. "Ụ nổi Venture Dock 2 dài 166,5m, cao 14m, đóng năm 1999 tại Indonesia, mang cờ Singapore nhưng quốc tịch Mông Cổ. Ụ nổi này có 5 cẩu, trong đó 2 cẩu 80 tấn, 2 cầu 70 tấn và 1 cẩu 100 tấn. Ụ được kéo về neo ở vịnh Cam Ranh ngày 9/8/2008, trị giá lúc mua là 11,5 triệu USD."
Người ta mua rồi thuê người giữ ngắm chơi, ngắm chán, cố chứng minh cho "sự nghiệp phát triển ngành hàng hải", để mỗi tháng ụ nổi này tiêu thụ 1,72 tỉ đồng trả lãi ngân hàng (có thời điểm lên tới 4,6 tỉ đồng/tháng) và hơn 60 triệu đồng tiền phí neo đậu.


Từ trước tới nay, lộ ra sai phạm là "đau xót tự kiểm điểm". Nay bài bản cũ thấy chán, "tái cơ cấu" lại thành ra "tự nhận trách nhiệm".
Thủ tướng "tự nhận trách nhiệm". Các bộ trưởng nọ bộ trưởng kia cũng "tự nhận trách nhiệm". Đám công chức cao cấp cũng thi nhau "tự nhận trách nhiệm". Thiên hạ có người nghe "nhận trách nhiệm" dữ quá, bèn liên tưởng mấy vụ khủng bố : "chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm", có tin : "tổ chức cực đoan XYZ đã đứng ra nhận trách nhiệm". Từ ngữ dùng đồng dạng cái kiểu sai phạm : "nhận trách nhiệm rồi đó, làm gì bọn tao nào."
Những sự vụ giao thông, giáo dục, y tế, xã hội, công an, tài nguyên đất đai... lộ ra đầy chướng tai, gai mắt, người ta nghe mấy ông bộ kẻ thanh minh, người chối tội, vị nhận trách nhiệm khẩu thuyết om sòm gió bay gió bảy. Ngoài đám công chức thụ hưởng bổng lộc hậu hĩnh nhờ chế độ luôn "hoàn toàn nhất trí", còn đa phần đám đông "dân trí thấp" tỏ rõ không cần quan tâm. Thành ra mấy cái ụ sắt gỉ cứ thế mà làm, tái cơ cấu đi tái cơ cấu lại, không biết xả ra bán sắt vụn hết cho rồi.
Suy nghĩ rằng cái xã hội dựa trên nền tảng dối trá, dân chúng thèm thuồng vật chất, đám đông hèn hạ sợ hãi đủ thứ, cả hệ thống quan chức bất tài tham lam chỉ điều vơ vét làm chánh. Xu thời, mạnh ai nấy sống, xã hội băng hoại hết rồi băng hoại thêm nữa, "con đường VN" đang dần dà đưa thế hệ tương lai cả nước xuống hố.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét