Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Làng đổ bộ.


Người ngoài làng quanh quẩn với ruộng vườn mãi hoài cũng chán. Họ thích đi vô thành phố ngắm nghía văn minh. Phố xá hoa đèn, cờ bay phất phới, quần là áo lược, cộ xe như nước ấy chốn thị thành phồn hoa đô hội. Chốn ấy mê mẩn người làng mộng mị sang giàu.
Trẻ ngoài quê bây giờ ít người lấy nghề làm ruộng. Một nắng hai sương đồng lầy vất vả, đã nghèo tiền bạc còn bị khinh ít chữ. Hiếm có mỹ nữ chân dài chịu lấy anh nông dân cày ruộng. Mấy cô thôn nữ quê nghèo thích thú vô phố lấy chồng, mong mỏi đổi đời cực khổ.
Bỏ rừng về phố, bỏ ruộng vô thành, bỏ quê vô thị thành ra cái trào lưu làng đổ bộ.
Làng đổ bộ có nhiều thứ.
- Thứ nhất là dân nghèo bỏ làng vô làm nghề thợ đụng, phụ hồ, bốc vác, bán vé số.
- Thứ nhì vài nhà giàu ngoài quê vô phố mua nhà, con gái nhà quê lấy chồng phố lạ.
- Thứ ba, có vị ngoài làng được nắm quyền giữ chức to, kéo vội đám con cháu quê ta vô nắm lấy nhiều cơ quan ban ngành cho thêm vi thêm vảy. Trình độ nào cho làm việc nấy : sở, ban, ngành, lái xe, nấu bếp, bảo vệ, tùy dịch...
Cái thứ ba này chính thị làng đổ bộ thịnh hành nhất.


" Đèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Em coi không rõ, em ngỡ đèn màu.
Rút gươm đâm họng máu trào..."
Xưa kia người nhà quê hay sợ cạm bẩy người đô thị, nay người nhà quê có điều kiện sống thị thành. Thanh niên ở quê về phố còn thời thượng, tân tiến, sành điệu hơn bọn người dân phố mấy chục đời.
Nhớ hồi trước lúc mới "giải phóng", mỗi lần kị chạp quan hôn tang tế, bà con ngoài làng kéo vô để ơn đi nghĩa lại. Rách rưới, gầy ốm, hốc hác, xanh xao... kéo đi một đoàn. Có chú bác mặc đồ may bằng vải bao cát đắp công sự của Mỹ, khách thấy đều biết phái đoàn ấy bà con ngoài làng mình vô thăm. Hết xôi rồi việc, góp tiền đưa để bà con ra bến xe đò cho mà về.
Nay mấy chục năm qua rồi, làng đổ bộ đã mang ý nghĩa khác.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét