Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011
Nước Miến đổi thay.
Nước Miến cùng xóm nhà lá Asian, rộng chừng 676.000 cây số vuông, dân chúng xấp xỉ 55 triệu người. Họ cũng chung nghiệp chướng như VN phải tiếp giáp China phương Bắc, nhưng mặt đối mặt tới tận 2.185 km.
Thời nhà Thanh, do thèm thuồng tài nguyên dồi dào giàu có, người Tàu đã bốn lần đem quân xâm lược, ấy đều bị dân Miến đánh cho tan tác.
Năm 1887, Miến Điện bị nước Anh xâm chiếm làm thuộc địa để phải tới tháng 1/1948, họ mới giành lại được độc lập.
Nước Miến là một quốc gia khá rộng, có nhiều sắc tộc chung sống, nên chi họ thành lập nhà nước Liên bang, có Tổng thống đứng đầu, Thủ tướng giữ quyền lực nội các. Năm 1961, trưởng phái đoàn Miến Điện tại LHQ là ông U Thant được bầu nắm chức Tổng Thư ký LHQ, ấy là chuyện cũng rạng rỡ cho đất nước họ.
Năm 1962, người dân Miến Điện rơi vào kiếp nạn độc tài đau đớn do tướng Ne Win làm đảo chính cướp lấy chánh quyền. Ne Win chọn con đường "định hướng XHCN", cầm quyền dài hạn đến 26 năm. Năm 1974, nước Miến đổi tên thành "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanmar".
Nhờ "định hướng sáng suốt" ấy mà nước Miến trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới, phải hàng thập kỷ ở trong tình trạng trì trệ, quản lý kém và bị cô lập. Họ bị liệt vào hạng "nước kém phát triển nhất" năm 1987 !
Năm 1988, các phong trào biểu tình đòi dân chủ, tự do rầm rộ tràn lan khắp nước, đe dọa chế độ độc tài quân sự. Bạo động nổ ra, bắn giết thoả thuê, đàn áp không khống chế được nổi dậy, chế độ phải mị dân nhượng bộ, cho tổ chức bầu cử đa đảng. "Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ" của bà Aung San Suu Kyi thắng hơn 60% số phiếu và chiếm 80% ghế trong Quốc hội ở cuộc bầu cử 1990 sau 30 năm. Ấy vậy, chánh quyền quân sự không chấp nhận kết quả, còn đem bắt bà này bỏ vô tù...
Năm 1992, thống tướng Than Shwe, chủ tịch Hội đồng Quân sự nắm lấy quyền cai trị nước Miến, đưa mọi giá trị dân chủ tự do tối thiểu của người dân vô sọt rác.
Thế giới Tự do lập tức quyết định bao vây, cô lập, cấm vận nước Miến, trừng phạt cái tội dám chà đạp nhân quyền. Dân chúng lãnh đủ, đã đen lại gặp thêm họa thợ rèn.
Người Tàu dòm ngó Miến Điện bị bao vây cô lập bèn vô cùng sung sướng. Họ "nhiệt liệt" ủng hộ độc tài quân sự chế độ Than Shwe, họ "giúp đỡ" tận tình về chánh trị, kinh tế. Không ngoài mục đích cướp lấy địa bàn chiến lược hướng thẳng ra Ấn Độ Dương này.
Nhà quan sát nhận định như sau:
"Qua các năm tháng bị Tây phương cấm vận, khiến ảnh hưởng Trung Cộng lên Miến Điện trở nên càng ngày càng lớn. Các công ty buôn bán Trung Cộng đã tạo nên một hệ thống mạng lưới làm ăn chung với thành phần đầu não cầm quyền Miến Điện. Nhưng sự hợp tác nhượng bộ với Trung Cộng này của các thành phần đầu não Miến Điện, mỗi năm lại bị soi mòn thêm. Năm 2009 Trung Cộng xuất cảng sang Miến 2.3 tỉ USD, nhưng chỉ mua lại hàng hóa của Miến có 646 triệu USD, ngân sách mất cân đối hơn 1.5 tỉ có lợi cho Trung Cộng."
" Ngoài ra, Trung Cộng khai thác phá rừng vô tội vạ, biến miền Bắc nước Miến đầy các đồi trọc, không còn rừng. Trong khi đó, dân Trung Cộng di cư vào sống đầy dẫy ở các tỉnh phía Bắc, khiến dân số ở đó hiện nay đã có hơn 40 % là người Tàu di dân."
" Sự xâm lăng, đô hộ kiểu mới của Trung Cộng qua hình thức kinh tế này, khiến hàng ngũ yêu nước của phe quân đội thấy bực mình lo lắng, họ không muốn trở thành con tốt thí, hay thành một nước vành đai cho bất cứ quốc gia nào."
Một yếu nhân nước Miến còn nói thẳng ra:
“Chúng tôi không muốn quốc gia của chúng tôi trở thành một tỉnh của Trung Cộng, cho nên các quốc gia Tây Phương đừng đẩy nước chúng tôi vào chỗ không còn lối nào thoát ngoài chuyện càng ngày, càng sống bám vào Trung Cộng".
Ai đã biết từng có nước Chiêm Thành, hiểu về Tây Tạng, sẽ rõ ràng người Miến muốn sinh tồn, tất phải thay đổi mới mong tránh hiểm họa mất nước vào tay China.
- Ngày 7-11-2010, Chính quyền cho tổ chức bầu cử quốc hội với 37 chính đảng tham gia.
- Ngày 3-2-2011, Quốc hội bầu Tổng thống. Tướng hưu trí Thein Sein đắc cử, trở thành Tổng thống dân sự sau 50 năm giới quân sự nắm quyền.
- Ngày 4-2-2011, Thống tướng Than Swe từ chức, ban lãnh đạo quân sự chính thức giải thể, Chính phủ dân sự được thành lập do ông Thein Sein làm Tổng thống đứng đầu.
Tổng thống Thein Sein tiến hành hàng loạt cải cách dân chủ táo bạo rất hợp lòng dân, dẫu cho có mất lòng China.
1. Hoà giải dân tộc, mời trí thức lưu vong về tham gia xây dựng đất nước, đối thoại với bà Aung San Suu Kyi.
2. Lập chánh phủ gồm các nhà kỷ trị, doanh nhân, chuyên gia kinh tế có tài thay chỗ các tướng tá công an quân đội cho về vườn.
3. Cho phép các đảng phái đối lập hoạt động, cho phép thành lập đảng phái mới và các tổ chức phi chính phủ. Giảm bớt kiểm duyệt báo chí và xuất bản. Đề xuất nhiều dự án luật mới, ban hành chính sách chống nghèo khổ, giảm thuế, tự do thương mại...
4. Đình chỉ dự án đập thủy điện Myinsone trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ.
5. Phóng thích 6369 tù nhân trong đó có 200 tù nhân chính trị. Ngày 14-11-2011 chính phủ thông báo sẽ tiếp tục trả tự do cho tù nhân chính trị trong thời gian tới...
Theo dõi sát sao "những tia sáng tiến bộ lóe lên từ Miến Điện", Tổng thống Mỹ B.Obama đã có một thông điệp gửi tới ông Thein Sein, bàn đến một "giai đoạn mới" trong quan hệ Mỹ - Miến. Ông đã đề nghị nước Miến cần có những "Kết quả Hữu hình" từ nỗ lực cải cách chính trị, trước khi Washington quyết định bước tiếp theo. "Xem Hoa Kỳ có thể hỗ trợ và thúc đẩy những nỗ lực của chính phủ Myanmar như thế nào trong việc chuyển tiếp sang dân chủ và thúc đẩy bảo vệ nhân quyền ".
Ngày 1/12/2011 mới đây, Ngoại trưởng Mỹ, bà H. Clinton đã có cuộc thăm viếng lịch sử để gặp gỡ và hội đàm “thẳng thắn, hiệu quả” với Tổng thống Thein Sein cùng các lãnh đạo cao cấp của Myanmar.
Trước quyết đoán xoay chiều đổi gió, ngả dần về phía Mỹ của chính phủ Miến Điện, người Tàu cảm thấy lợi ích của họ đang bị đe dọa, nên gằm ghè với thái độ không vui.
Còn nhớ vị cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị xưa từng nhắc “Trung Quốc ở đầu sông còn Myanmar ở cuối sông. Chúng ta cùng chia sẻ nguồn nước bằng tình hữu nghị thắm thiết ”. Một câu nói bao hàm nhiều ẩn ý tự đầu, thượng nguồn xổ thuốc độc hay thuốc bổ liệu coi chừng, không nhằm mục đích cột cổ Miến Điện, giữ cho ích lợi chiến lược China mà thôi.
Mấy ống dẫn dầu, các đường cao tốc được người Tàu hối hả xây dựng nhằm nối các tỉnh Tây Nam China vào Miến Điện, thoát thế cô lập nội địa, mở đường thông ra Ấn Độ Dương lâu nay, ắt sẽ nguy cơ một khi có nước Mỹ nhảy vào dòm ngó xen xỏ.
- Lời bàn luận:
Lãnh đạo một đất nước hàng xóm nước Miến công du đối ngoại, khi mà dân chúng dưới tay mình cai trị, đã nghèo đói lại còn bị thêm nạn bóp cổ bịt miệng, tù đày áp bức quá thê thảm. Đất nước thụt lùi, bị nước lớn nó khống chế cho, thế gian ai cũng biết cả, chỉ có vị là không biết gì mới nghênh nghênh cái mặt mo ngu si hãnh tiến, bất câu liêm sỉ quá.
Cầm quyền mà không biết sự vinh hay nhục của thủ lĩnh luôn nằm ở chỗ lo cho dân cho nước hay chỉ lo cho mình, thì quả thật đồ tồi thậm tệ.
Tổng thống Thein Sein nước Miến đã hiểu ra cái nhục tụt hậu mà thay đổi, biết cải tà quy chánh vì lợi ích dân chúng, thật đáng khen quá.
Trên BBC có bài bình luận rằng, nếu nước Miến đổi thay dân chủ hóa triệt để, thời họ sẽ hùng mạnh lên nhanh lắm, vượt qua mặt VN trong thời gian rất ngắn thôi.
Càng mừng cho họ, càng tủi cho mình vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét