Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011
Mở nắp keng.
Nghệ sĩ thời nào cũng hay buồn. Khi buồn thời uống rượu, uống rượu tiêu sầu.
" Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại, một ngày dài ghê..."
Cái buồn chán rót bằng chén rượu, hủ chìm hủ nổi càng lắc càng đầy, uống khỏi sợ hết.
Thủy Hử truyện có Giáo đầu Lâm Xung trời mưa tuyết giá hâm rượu cho nóng lên, uống một mình. Rồi thêm Đề hạt Lỗ Đạt trốn vô chùa Ngũ Đài Sơn, làm Trí Thâm hòa thượng, thèm rượu chêm mồi thịt chó. Uống say đem về chùa bét miệng tăng chúng.
" Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo..."
Rượu tiếng Tàu kêu tửu. Có giáo sư văn chương quá giỏi lý luận phê bình bị đuổi dạy, về bốc thuốc Bắc mà sống tên là Trương Tửu. Căn do ông bị tên thi nô buộc tội "trốt kít".
" Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm.
Trong cái công ty phản động "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy thật sự đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt.
Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ.". Một số tội trạng :
1. Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản.
2. Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo.
3. Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa.
4. Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, gãi vào đầu óc sô-vanh chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản..."
Về Trương Tửu, một người học trò cũ của ông nói :
" Tôi học thầy Trương Tửu niên khoá 1954-1957. Với tôi, thầy Tửu là người mà cả lớp đều phải kính phục về tính thông minh. Tôi chưa thấy ai giảng hay như thầy, kể cả đọc cũng rất hấp dẫn.
Tôi còn nhớ, khi nghe thầy đọc bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, đến nửa lớp chúng tôi đứng dậy để nghe. Điểm đặc biệt nữa ở thầy là luôn tạo cho học sinh phương pháp tư duy. Tôi rất kỳ lạ bởi thầy học môn xã hội mà lại có phương pháp tư duy khoa học như thế. Thầy còn rất quý học sinh, giữa chúng tôi và thầy không hề có khoảng cách. Thầy coi chúng tôi như con và chúng tôi cũng coi thầy như cha ".
Lại có bạn cố tri ông Tửu, nhà văn Nguyễn Vĩ chủ bút nguyệt san Phổ thông ở miền Nam hồi trước, viết bài thơ dài " tặng Trương Tửu". Nay nhớ mấy đoạn như vầy :
" Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác.
Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang.
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Ðông, chửi Tây, chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm mộng với mê,
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê !
Bây giờ thời thế vẫn thấy khó,
Nhà văn An-nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương...
Chứ như bây giờ là trò chơi !
Làm báo làm bung chán mớ đời !
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con từu, văn chương cóc !
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn ngày tháng qua !
Cho nên tôi buồn không biết mấy !
Ðời còn nhố nhăng, ta chịu vậy... "
Qua chuyện Nguyễn Vĩ, ông này xưa đi chơi chùa Hương với Nguyễn Nhược Pháp, gặp cô bé 15 tuổi hành hương cùng mẹ, miệng niệm A Di Đà Phật quá dễ thương. Ông Pháp về làm bài " Chùa Hương ", thơ đặc sắc.
Đọc cuốn " Văn thi sĩ tiền chiến " của Nguyễn Vĩ viết, người ta mới biết đích xác tác giả của " Hai sắc hoa tigôn " chính là Thâm Tâm Tuấn Trình. Trình lấy tên cô bồ cũ Trần Thị Khánh viết tắt TTKh bút danh mới thêm chuyện mơ hồ thiên hạ xon xen mạo nhận.
"Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người..."
Nguyễn Vĩ kể chuyện uống rượu với Tản Đà :
" Sau khi tuần báo Phụ nữ đăng bài thơ "Gởi Trương Tửu" của tôi, một buổi chiều tôi đến chơi ở tòa báo, bỗng thi sĩ Tản Đà từ bên ngoài bước vào. Một chiếc khăn đóng đã viền mòn, đáng lẽ đội trên đầu ông lại đeo tòn teng trong cánh tay. Vẫn chiếc áo lương thâm cũ mà tôi đã thấy ông mặc năm năm trước. Ông hỏi cô thư ký:
- Có ông Nguyễn Vỹ ở đây không ?
Cô bạn cười chỉ tôi:
- Thưa ông, Nguyễn Vỹ đây ạ.
Ông đưa tôi lên tàu điện, phố Hàng Bông. Nửa giờ sau đến một gian nhà ở ấp Thái Hà, nhà của ông. Ông lấy chai rượu và hai cái cốc ra. Tôi không biết uống rượu, nhưng vì xã giao không dám nói ra, sợ phật ý thi sĩ có tiếng là “Lưu Linh Việt Nam”. Tôi cứ để mặc ông rót rượu ra cốc... ông bắt đầu hỏi tôi:
- Tôi thích bài thơ Gởi Trương Tửu của ông, nên mời ông uống rượu. Trương Tửu là ai ?
- Thưa cụ, bạn cháu ạ.
- Ông ấy có biết uống rượu không ?
- Dạ, anh ấy tên là Trương Tửu, thì cụ khỏi hỏi ! Vả lại dòng dõi Trương Phi đấy ạ !
- Hôm nào rủ ông ấy đến uống rượu với tôi.
- Dạ.
- Nhưng tôi giận ông lắm vì một câu trong bài thơ của ông. Tôi định gặp ông thì tôi bảo.
- Thưa cụ, câu nào ạ ?
- Sao ông lại bảo: Nhà văn An Nam khổ như chó ? Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư ?
- Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn ?
Ông Tản Đà làm thinh nốc hết ly rượu, rồi rót luôn một ly nữa. Mặt ông vẫn chưa đỏ. Bỗng dưng ông phì cười, tiếng cười nổ lên đột ngột và kêu to, làm tôi giật mình. Xong, ông nói, không ngó tôi : “Ông làm tôi bượch cười !”, ( ông Tản Đà hay nói bượch cười). Rồi ông rưng rưng nước mắt..."
Chuyện Nguyễn Vĩ thời dài dòng, ổng viết " Tuấn, chàng trai nước Việt" , viết báo nổi tiếng cô Lệ Chi, bà Diệu Huyền. Đọc báo Phổ thông hay Thằng Bờm phải khâm phục tài viết. Ấy không biết sao, Hoài Thanh chê thơ quá ác :
"Nguyễn Vỹ chí lớn mà tài nhỏ nên hay lập dị, chứ thật sự ít có thành tích văn chương"."Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì..."
Về cụ Tản Đà, có tật nghiện rượu thời cũng có nhiều thơ hay về rượu :
“ Cảnh đời gió gió, mưa mưa
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say ta lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi, rượu vò
Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai ? ”
Nhà thơ Trần Huyền Trân có bài "Mộng uống rượu với Tản Đà" cũng hay :
" Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này đã cạn hết rồi còn đâu !
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Say đâu ? Lòng chửa được đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì ?
Đường xa ư cụ ? Quản chi !
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường...
Rót đi, rót... rót đi thôi
Rót cho tôi cả năm mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình ”
Bây giờ mới đến chuyện mở nắp ken. Thời nay, uống rượu ta VN dễ chết ngộ độc thuốc rầy, có điều kiện uống rượu tây chỉ mấy dân VIP. Nhưng uống với bọn này chán phèo chuyện tục màng mở nhầy nhụa.
Uống bia mùa lạnh, bụng đầy hơi anh ách nặng nề khó chịu. Chưa kể trẻ uống nhiều quá, gan thận lộn tùng phèo, người lớn tuổi uống vài ly, tàn cuộc uống đau nhức nằm quệ.
Uống bia chiều với bọn thợ nề xong việc thật là hào sảng. Quý hồ đa bất quý hồ tinh, càng nhiều càng tốt. Uống như trâu khát nước, mở nắp keng ào ào. Đủ chuyện đời đặc sắc.
Ai nói cứ nói,ai nghe cứ nghe, ai uống cứ uống.
Uống với đám cán bộ đảng, im lặng hồi lâu rồi nói : Thôi, uống uống...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
http://luongtamconggiao.wordpress.com/2011/06/20/m%E1%BB%B9-cung-c%E1%BA%A5p-20-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BA%A5u-c%C6%A1-f-35-cho-vi%E1%BB%87t-nam/
Trả lờiXóaHaizzz, cái sự đời đưa đẩy, mà.
Trả lờiXóa