Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Cháy chợ búa.


Chợ Quảng Ngãi cháy ngày 9/2/2012. Cháy tự lúc 4 giờ sáng đến xế trưa 13h30, cháy sạch hết hàng hóa, cháy không còn gì để cháy mới hết cháy.
Phòng cháy chữa cháy Quảng Ngãi huy động hết xe cộ, lính cứu hỏa. Tăng cường thêm Quảng Nam cứu viện, thêm lính Cứu hỏa Lọc dầu Dung Quất, kéo đến phun nước bên ngoài chợ. Đám công an chận người ta, đề phòng những khổ chủ "vị của quên thân" lao vô đám cháy. Ông bí thư tỉnh ủy đến trực tiếp chỉ đạo cứu hỏa. Chỉ chỉ chỏ chỏ vô đám cháy. Thỉnh thoảng, ngài tay chống nạnh, tay cầm di động nghe nghe, gọi gọi.
Đám đông vô hạn chen chúc, đứng vòng tay xem chợ cháy buồn rầu. Những bà, những chị tiểu thương khóc lóc. Tiêu tán tan tành, cháy sạch hàng hóa của cải.


Lính cứu hỏa, VN gọi là Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy. Xuân, Thu nhị kỳ đều có tập luyện chữa. Đem đốt mấy cái lốp xe, mấy giẻ rách trong thùng dầu hỏa đặt giữa đồng trống rồi chạy vào dội nước. Diễn tập phát sóng truyền hình chữa lửa. Tập sự cháy giả, phòng khi cháy thật dập cho mau.
Trong những vụ cháy chợ, hàng hóa các quầy, sạp đều là thứ nhiên liệu. Đặc biệt mấy cuốn sổ ghi công chép nợ buôn bán dễ cháy nhất.
Người chủ nợ lo cháy sổ. Kẻ mắc nợ mừng sung sướng, cảm ơn thần lửa thương đốt giùm cho sổ nợ tiền.


Chợ búa sầm uất, chật chội quầy hàng hóa, chen chân khó chỗ. Cháy xong, chợ còn một đống tro tàn. Chỉ mấy cái búa tạ của cô kinh doanh hàng búa là thoát nạn.
Quầy bán búa tạ thường ế ẩm, thi thoảng có người hỏi đến, ít kẻ kinh doanh. Tuy nhiên được cái mua bán nó, tâm cô hàng búa không loạn cho lắm. Cháy chợ cũng không mất của. Nên chăng ai thích buôn bán rút cho kinh nghiệm : phen này ông quyết đi buôn búa, cháy chợ bao nhiêu cũng chẳng rầu.
Búa không sợ cháy nhưng búa sợ bị mất cắp. Cổ xưa có chuyện mất búa như sau :
" Có người đánh mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà láng giềng lấy trộm.
Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa. Nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa. Thấy nó cất nhắc, hành động không một tí gì là không rõ ra một đứa ăn trộm búa cả.
Ðược một lúc, người ấy bới trong hố, lại thấy cái búa. Thì hôm sau, trông đứa con nhà láng giềng ngôn ngữ cử chỉ không một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa."


Lời bàn của cụ Nguyễn Văn Ngọc :
Người ta khi mất một cái gì, thì một mất mười ngờ. Mà khi trong bụng đã ngờ vực thì các ngoại vật cũng theo đấy mà biến đổi đi cả. Phàm tâm trí mình đã cảm giác làm sao, thì tự mình lại tưởng tượng một cái cảnh sắc hợp như thế. Người mình vui, thì mình thấy sự vật ngoài hình như cũng vui, người mình buồn thì mình thấy sự vật ngoài cũng buồn. Chẳng qua là tại tự mình in trí như vậy, chớ ngoại vật hồ dễ đã có mối liên lạc mật thiết với mình mà thật thay đổi như thế đâu !
Cái tâm chuyển thời hết thảy muôn pháp đều chuyển theo. Cho nên tâm cần phải chính. Tâm có chính thì tư tưởng hành vi mới thoát khỏi tà khúc được."
Nhân chuyện chợ búa nhớ ra, cờ cộng sản có cái búa to tướng, dựng chéo xiên xiên như sắp giáng xuống đầu ai đó mà nện.

Búa nện người, đã có Nghiêm Như Tứ, thái thú đất Tương Dương, triều Thanh. Tên này thích tra tấn nghi phạm hình sự để bức cung. Hắn làm một cái búa đập bể xương các nghi phạm, gây đau đớn không kể xiết. Đặt phạm nhân nằm duỗi hai cẳng. Giương búa tạ lên hai ống quyển. Tội phạm nào không cúi đầu nhận tội là táng xuống bể xương cẳng liền.
Điều cũng lạ, vợ tên quan họ Nghiêm kia đẻ ra hai đưa con, đều có cặp giò mềm như bún, không thể đi lại được. Như là có quả báo ấy.
Vạn pháp duy tâm tạo. Thế nhưng mà bị búa tạ nện vô đầu thời tâm đành hết tạo.
- Xem Clip :



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét