Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Sứ Tàu.


Cộng sản hoàng đế Tập Cận lệnh sứ thần Dương Khiết sang nước Nam ban sắc chỉ, kết hợp nghe ngóng tình hình, tùy theo đó hoặc tiếp quản biển đảo hoặc ra tay tảo phạt.
Sắc chỉ "Bốn không được" thiên triều đưa ra đại khái như vầy :
1. Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của "trẫm" với các đảo trên Nam Hải.
2. Không được sử dụng các tư liệu mà An Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận An Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa.
3. Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải.
4. Không được phá bỏ mối quan hệ Thiên triều - thuộc quốc sau nhị thập niên bình thường quan hệ.
China phát thanh CRI bày đặt "tiết lộ" cuộc gặp giữa sứ Tàu và quan lại nước Nam:
"Phó tướng Nam quốc PBM cho biết, VN sẵn sàng tuân thủ (sic) nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai nước, xử lý thoả đáng các vấn đề nhạy cảm quan hệ hai nước, tránh cho các vấn đề này quấy nhiễu toàn cục của quan hệ hai Đảng và hai nước."


Chuyện sứ Tàu kể trên cũng không khác chi với chuyện sứ Tàu ghi trong sử cũ.
"Thời nhà Trần, bấy giờ nhà Nguyên bên Tàu mạnh mẽ đệ nhất khu vực, bèn ra sức đánh đông dẹp bắc mở rộng bờ cõi, kéo quân đi "giải phóng" khắp cả láng giềng. Dòm ngó đất phương Nam, Nguyên chủ nghe tin vua Trần Thái Tông nước Đại Việt mới qua đời, lập tức sai Lễ bộ Thượng thư Sài Thung sang sứ. Thung đi tự Giang Lăng (Hồ Bắc) qua Ung Châu (Quảng Tây) rồi vào nước Nam, chớ không đi đường Vân Nam như các sứ thần trước.
Sài Thung đến thành Thăng Long, lên mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, cho người đưa thư trách vua Trần Nhân Tông rằng: « Sao không xin phép triều đình nhà Nguyên, mà dám tự lập vậy ? Vậy phải sang chầu Thiên triều Hoàng đế mới xong ! ».
Vua sai quan đại thần ra tiếp, Thung không thèm đáp lễ. Vua bày yến mời. Thung không thèm đến. Đình thần An Nam ai cũng lấy làm tức giận nhưng không dám nói ra. Sau vua dọn yến ở điện Tập Hiền, mời mãi Sài Thung mới đến dự. Vua ta khéo lời từ chối qua Tàu.
Nguyên chủ thấy vua ta thoái thác, lại cho sứ sang dụ rằng: « Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay, và phải nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo mỗi hạng 2 người ».
Năm Nhâm Ngọ (1282), Nguyên chủ sai Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn đại binh kéo sang xâm lược An Nam, giả tiếng mượn đường qua nước Nam, đánh Chiêm Thành.


"Trấn Nam Vương" Thoát Hoan hội quân ở đất Hồ Quảng, chuẩn bị kéo vào Lạng Sơn. Hoan sai quan Bả Tổng A Lý làm sứ đến Thăng Long, dụ rằng:
« Bản súy chỉ nhờ đường Nam quốc sang đánh Chiêm Thành, chứ không có bụng gì đâu mà ngại. Nên mở cửa ải cho quân bản súy đi, và đi đến đâu, nhờ giúp ít nhiều lương thảo, rồi khi nào phá xong Chiêm thành thì sẽ có trọng tạ về sau. Nhược bằng kháng cự thiên binh, thì bản súy sẽ không dong tình, phá tan bờ cõi, bấy giờ dù hối lại cũng không kịp..."
Các quan trong trào, người thì nói nên để cho quân Tàu "huynh đệ" mượn đường, người thì bảo nên đưa đồ sang cống, lạy lục xin hoãn binh. Duy có Hưng Đạo Vương quyết không cho quân Tàu mượn đường cướp nước. Vua Trần Nhân Tông ưng nghe lời ấy, tháng Mười năm Quí Mùi (1283) phong ngài làm Tiết chế, thống lĩnh ba quân chống giặc.
Lời bàn luận:
Than ôi ! Lịch sử phải chăng chu kỳ lập lại ? Xưa sứ Sài Thung sang Thăng Long khởi đầu sự Mã đề Dương cước, tướng Thoát Hoan động 50 vạn binh xâm lược. Nay năm Ngọ, có sứ Dương Khiết lò mò tới Hà Nội "trao đổi thẳng thắn vấn đề Biển Đông". Tình thế căng thẳng dây đàn khi thêm giàn khoan Nam Hải 09, thêm "đảo nhân tạo" ở Trường Sa, thêm "cấp giấp chứng nhận quyền sử dụng đất Tây Sa, Nam Sa" đóng dấu đỏ 5 sao Tàu cộng. Liệu năm Mùi "dê làm bạn cọp" tới rất gần, nước Việt có khởi sự binh đao...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét