Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Lá cờ Việt Nam đầu tiên nơi hải ngoại.


1. Giai thoại cờ màu đỏ.
Năm 1863, vua Tự Đức cử một phái đoàn sang Pháp điều đình xin chuộc lại ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Phái đoàn gồm có cụ Phan Thanh Giản chánh sứ và hai cụ Ngụy Khắc Đản và Phạm Phú Thứ phó sứ. Đoàn tùy tùng do ông đội trưởng Lương Doãn chỉ huy.
Ngày 18 tháng 8 vào giờ Thân (3 giờ chiều), tàu thủy Européen chở phái đoàn sắp cập bến Suez (Ai Cập) thì đại diện Pháp đi theo phái đoàn cho biết, theo thủ tục quốc tế - khi tàu của một vị đại sứ ngoại quốc đến một hải cảng nào thì hải cảng ấy bắn 19 phát súng lệnh để chào mừng và chiếc tàu phải thượng cờ của nước mình - vậy xin đại sứ cho thượng cờ Việt Nam lên để đáp lễ chính phủ Ai Cập khi họ bắn súng chào mừng đại sứ của Hoàng đế Việt Nam.
Nước ta hồi ấy chưa có quốc kỳ, vào lúc phái đoàn ở Huế ra đi, vua Tự Đức và cả triều thần không ai ngờ sẽ xảy ra việc "Chào cờ" ở ngoại quốc. Cả phái đoàn đều bối rối. Ông đội Lương Doãn bèn thưa:
- Dạ bẩm ba cụ, nước ta không có quốc kỳ mà chuyện này gấp rút quá, vậy xin tạm cái khăn gói cụ chánh sứ bằng lụa kỳ cầu còn mới tinh, màu đỏ tươi đẹp quá, để làm cờ.


Ba cụ sứ thần bàn luận rồi đồng ý làm theo viên đội trưởng. Và để cho khỏi lầm với quốc kỳ Ai Cập, bốn chữ nho "Đại Nam Khâm Sứ" được thêu bằng chữ vàng trên tấm khăn gói lụa điều.
Lúc tàu  Européen  vừa cập bến Suez, Chính phủ Ai Cập liền cho bắn 19 phát súng lệnh, chào mừng phái đoàn của Hoàng đế Đại Nam thì trên cột cờ tàu đã phất phới lá cờ "Đại Nam Khâm Sứ".
Sau đó mấy hôm, trên toa xe lửa Ai Cập chở phái đoàn Việt Nam ra Port Said, cờ "Đại Nam Khâm Sứ" tung bay bên cạnh cờ Ai Cập màu đỏ giữa thêu mặt trăng lưỡi liềm.
Khi tàu thủy chở phái đoàn vào hải cảng Pháp, cờ "Đại Nam Khâm Sứ" cũng ngạo nghễ trên cột cờ tàu, và Hải quân Pháp cũng bắn 19 phát súng chào mừng cái khăn gói của cụ sứ thần Phan Thanh Giản.
Khi về nước, cụ Phạm Phú Thứ tâu lại việc này cho vua Tự Đức nghe, nhà vua ngồi dựa tay trên gối cười ha hả.
(Theo: DIỆU HUYỀNTạp chí Phổ Thông bộ mới - VNCH)


2. Giai thoại cờ màu vàng.
Sau hòa ước 1862 (gọi là Hoà ước Nhâm Tuất), vua Tự Đức hối tiếc lắm, nên cử một phái đoàn gồm các ông Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản sang Pháp để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Đô đốc La Grandière chỉ huy hạm đội Pháp cho phái đoàn sử dụng chiến hạm L'Européen để chở phái đoàn đi, với điều kiện nước Nam phải trả tiền chi phí cho sự di chuyển của chiến hạm. La Grandière cử Đại uý Hải quân Rieunier hướng dẫn phái đoàn đến Paris. Phái đoàn gồm 60 người, hầu hết theo đạo Gia tô, có Linh mục Hoằng làm chánh thông ngôn.
Tàu Européen đi từ Saigon ngày 4-7-1863, tới kênh đào Suez ngày 17-8-63. Phái đoàn chuyển sang tàu Labrador ở Alexandrie để ngày 10 -9-1863 tới quân cảng Toulon (Pháp).
Truởng đoàn nước Nam được thuyền trưởng tàu Labrador yêu cầu treo quốc kỳ nước Nam lên cột cờ của tàu. Thật là một việc vinh dự nhưng khó xử cho trưởng phái đoàn Phan Thanh Giản. Nước Nam khi ấy không có Quốc kỳ mà chỉ có Đế kỳ.


Đế kỳ Long Tinh thì phái đoàn không được mang theo, nếu có cũng không được xử dụng. Ba cụ phái đoàn bèn chế tạo một lá cờ đại diện cho nước Nam, một lá cờ màu vàng theo truyền thuyết bà Trưng và bà Triệu đã phất ngọn cờ vàng để chống ngoại xâm.
Ba chiếc khăn quàng màu vàng của ba cụ, may lại thành một lá cờ hình chữ nhật màu vàng, trao cho thuyền trưởng để treo lên kỳ đài của tàu.
Vì là một cái cờ mà hải quân thế giới không có bao giờ, nên các chiến thuyền đậu ở Toulon phải lấy những lá cờ vàng báo dịch treo lên, chào mừng phái đoàn nước Nam.
Chuyện thật trớ trêu ! Trong luật hàng hải quốc tế, thì cờ vàng là một cờ dùng để báo động một chiếc tàu đang có bệnh truyền nhiễm. Tàu phải treo cờ vàng để báo cho mọi người biết tàu đang bị cách ly y tế vì sợ có mang bệnh dịch, ngoài những nhân viên y tế được phép lên tàu, còn thì cấm không ai đươc lên xuống để tránh lây bịnh. Tiếng Pháp gọi là tàu bị "mis en quarantaine", bị cách ly về y tế trong bốn mươi ngày...
( Theo: Tô Vũ - Lá cờ vàng đầu tiên trong lịch sử)
Lời bàn luận:
Lá cờ giai thoại của cô Diệu Huyền (Nguyễn Vỹ) nặng ký hơn so với ông Tô Vũ.
Đơn giản màu vàng xưa của riêng vua chúa, ba vị sứ bầy tôi trung quân ái quốc khó dám dùng cái khăn choàng màu vàng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét