Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Minh tu Ám độ.


Tây Hán chí, Hạng Vũ thắng được Tần, bèn theo mưu kế Phạm Tăng, đẩy Lưu Bang vô vùng rừng xanh núi đỏ Ba Thục hiểm trở, cho hết thể quậy cựa định bá đồ vương.
Quân sư Trương Tử Phòng đút lót Hạng Bá, xin được cho Hán vương thêm đất Hán Trung, mưu đồ hậu cần quân lương chiến dịch về sau.
Hạng Vũ nghĩ rằng vùng Thiểm Tây thông ra Trung Nguyên duy nhất có đường Sạn Đạo, một toán quân nhỏ cũng kiểm soát mọi nhẻ thì Lưu Bang cùng bọn tướng sĩ chỉ có chết già trong xó núi ấy thôi - Vũ bèn đồng ý.
Nguyên trước, Tần Huệ vương đem quân đánh Thục, không có đường đi, bèn bày kế đúc 5 con trâu sắt, rồi phao tin "Tần có 5 con trâu vàng, mỗi ngày ỉa ra 5 đấu vàng".
Thục vua tưởng thật, sai người khai sơn phá thạch, mở "Đại lộ Ngu Trâu", lấy lối đi thông ra nước Tần cướp trâu vàng. Lối đi gọi Sạn Đạo, kéo dài đến 300 dặm, bằng dây mây rừng kết nối thân cây gỗ, bắt cầu treo cắm vòng vèo lưng chừng núi, "chỗ thì cao vút mây xanh, chỗ thì xuống tận suối thẳm, trợt chân một cái coi như tiêu đời ".


Đường làm ròng rã mấy năm rồi xong, vua Thục hí hửng cho người đi cướp trâu.
Trâu ỉa ra vàng đâu chẳng thấy. Thấy có mấy con trâu sắt gỉ sét một đống phế liệu "bốc xít". Và một đại quân Tần ầm ầm kéo vào đánh úp, chiếm trọn đất Thục.
Ngu si tham vàng mở đường cho giặc vào cướp hết đất nước, Thục vua rầu rỉ chết, hoá ra con chim Cuốc. Chim Cuốc nhớ nước kêu "Quốc", "Quốc", suốt đêm hè.
“Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
Ban đêm ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.”


Lại nói Hán vương Lưu Bang, sau khi bầu đoàn tướng sĩ kéo vào đất Thục, Tử Phòng cáo từ trở lại Trung Nguyên, tiện tay châm lửa Hỏa thiêu Sạn Đạo, đốt sạch mọi lối đèo mây khó khăn xây dựng. Lửa bốc cháy ngất trời hơn 30 dặm.
Trương Lương đốt Sạn đạo là để Hạng Vũ không còn chú ý quân Hán, ăn no ngủ kỹ không đề phòng. Hán vương có thời gian chiêu hiền đãi sĩ, tích thảo dồn lương, chuẩn bị chiến tranh.
Bôn ba thiên hạ, tìm kiếm nhân tài giúp Hán vương phục quốc, Trương Lương gặp Hàn Tín,"bên cầu Vị gieo cần câu cá, kìa kìa người quốc sĩ Hoài Âm", Lương dụ Tín về Hán, rồi giao cho bức mật đồ đường tắt, lối khe núi chân đèo không ai biết : qua thành Trần Thương, từ Hán Trung tiến đánh thẳng Hàm Dương, không cần Sạn Đạo.
Hàn Tín về làm Nguyên soái cho Hán vương, khởi binh Đông tiến, dùng mưu "Minh tu Sạn đạo, Ám độ Trần thương" nghi binh đánh Hạng Võ ngay.
Một mặt, Tín sai quân lính khoa chiêng gióng trống, rầm rộ ra vẻ tu sửa đường Sạn đạo để hành quân. Mặt khác, Tín dồn lực lượng, âm thầm Đông tiến, bí mật đánh úp thành Trần Thương, diệt gọn Tam Tần, chiếm lấy hết Hàm Dương.
Quá bất ngờ, quân Sở đại bại, Hạng Võ mất đất chạy dài.


Lời bàn của Mộng Bình Sơn.
Bên trời Tây có câu những kẻ có chí lớn thường gặp nhau.
Thật vậy, cái trí mỗi người ở trong mọi trình độ chênh lệch, nếu sự hiểu biết không bằng nhau, không dễ gì hiểu nhau được.
Hàn Tín sai sửa Sạn Đạo để đánh lừa quân Sở. Bọn Chương Hàm, Chương Bình là những kẻ thấp thỏi cho đó là trò trẻ con, khinh địch, không đề phòng. Những kẻ thấp thỏi lại thường tự cho mình là cao kiến, do đó thường mang những thảm họa đau thương.
Hành động của Hàn Tín không qua được mắt Phạm Tăng. Tuy nhiên, Tăng biết trước mà không làm gì nổi là do hai nhược điểm. Một đàng là Hạng vương không coi việc Hàn Tín là trọng, tuy có lệnh đề phòng nhưng không lưu tâm mấy. Một đàng, bọn thừa hành Chương Hàm lại tự phụ khinh người. Hai đàng đó khiến cái hiểu biết của Phạm Tăng trở ra vô dụng.
Đem so cái trí giữa Tăng và Tín, thời Tín cao hơn. Phạm Tăng chỉ biết viếc sửa Sạn Đạo là trò lừa mà thôi, riêng Hàn Tín ngoài"Minh tu Sạn đạo", còn cho người lợi dụng tình thế len lỏi vào thành địch, để làm nội ứng cho " Ám độ Trần Thương" thắng lợi.
Mưu lược Hàn Tín rõ ràng cao hơn một bậc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét