Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Trung thu Trăng của ông Trời...


Ngắm mặt Trăng bầu trời đêm rằm tháng Tám. Tròn vành vạnh, rõ cả chú Cuội ngồi co ro bó gối khổ sở gốc đa, tự dưng thấy nhớ thơ mặt Trăng.
Thi sĩ xưa nay viết về Trăng nhiều, tùy hứng, tùy thời để cho nó có mùi vị, có dáng có hình, có "địa vị", có sắc mầu đậm lạt khác nhau.
- Trăng mờ sương cổ điển thơ Đường, người Trương Kế :
"Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài bến nước, sầu vương giấc hồ..."
- Trăng phồn thực Hàn tử hương vị Xuân Hương đồi trụy :
"Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe..."
- Trăng chánh trị dụ dỗ con nít của người "vĩ đại" :
"Trung thu, Trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng..."


Truyền thuyết vua Đường Minh Hoàng ( 713-741 ) đi dạo vườn Thượng Uyển đêm Trung Thu. Trăng rất tròn to, trời trong sáng mát mẻ, nhà vua ngắm cảnh đẹp, gặp Đạo sĩ La Công Viễn ( hiệu Diệp Pháp Thiện ) tâm tình. Đạo sĩ chiếu cố tình vua nghệ sĩ ưa dòm ngó cái đẹp, bèn dùng tiên thuật đưa lên Cung trăng chơi cho biết.
Minh Hoàng du Nguyệt điện, thích thỏa ngắm nghía quý vị tiên nữ tha thướt xiêm y, gợi cảm đẹp xinh múa hát, quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ nhắc nhở, vua ra về lòng vẫn bàng hoàng tiếc luyến.
Ở Hoàng cung hạ giới, ngài vấn vương tiên cảnh, nhớ lại mà chế ra khúc Nghê Thường điệu vũ cho Dương Quý Phi nhảy nhót vui chơi. Rồi mỗi rằm tháng Tám, vua lệnh dân gian tổ chức rước đèn, bày tiệc ăn uống kỷ niệm, gọi là tết Trung thu.
Tục lệ Trung Hoa lan tràn truyền bá đến xứ ta, biến đổi dần dà ra phong tục đại chúng. Thường niên chiếu lệ, mỗi khi đến ngày rằm tháng Tám, người lớn bày cổ bánh dẻo, bánh nướng, bánh trung thu để cúng Trăng rằm, tưởng nhớ người xưa, biết ơn trời đất, nhớ ơn tiền nhân mở khai cuộc sống, xưa làm nay có, mới hưởng thụ lâu dài
Bọn trẻ con thì vô cùng thích ngày tết này. Chúng được vui chơi kéo nhau đi múa lân đầu làng cuối xóm, có tiền thưởng người ta tặng cho công múa. Chúng được rước đèn màu loè loẹt, lung linh rực rỡ - đủ các loại đèn, ông sao, cá chép, kéo quân, bánh ú. Ánh sáng lồng đèn huyền ảo trong đêm Trăng, trông như cái thế giới thần tiên, vương quốc ảo mộng. Em bé nào mà lại không thích thú ?
Chơi bời vui vẻ, chúng còn được ăn bánh Trung thu, được ngồi ngắm Trăng vàng nghe bà nghe mẹ kể chuyện đời xưa. Bánh Trung thu vỏ mỏng, nhân nhiều loại, thịt quay mứt bí, võ quýt lạp xường, hạt dưa bánh quế, nghe the the thơm thơm, beo béo ngọt ngọt. Miếng ngon nhớ lâu, dịp tết Trung thu mới được ăn nên Trung thu đã đi vào tuổi thơ con nít chốn chốn quê nhà.


Rồi năm này tháng nọ, đời nay tiếp đời xưa, người lớn thương con - con mình, con người - mới lấy ngày rằm tháng Tám tết Trung thu, dành riêng cho tụi con nít chúng nó.
Nhưng buổi cơm thua gạo kém, người ta tranh nhau bon chen lợi danh chức tước, nịnh trên nạt dưới, ghét ghen đồng nghiệp, hối lộ dọn đường thăng quan tiến chức; trăng Trung thu biến tướng duy vật VC trần trụi lũi, tết Trung thu thành ra dịp "chung thu" đút lót, "Cung tiến Hoàng triều".
Hộp bánh Trung thu mười triệu đồng, chứa đựng vô vàm bổ dưỡng hảo hạng, bộ răng bọn Uỷ viên Trung ương đảng sẽ cắn phập, nhai xé, nuốt gọn vô bao tử chúng nó, là đề tài rôm rã vỉa hè. Miếng ăn dù miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu, huống chi miếng ăn tiền mua nó, cả đời thu nhập kẻ khốn khó, chiu chắc dành dụm chưa dễ có, nên chi thiên hạ chào xáo cũng phải thôi.
Ấy thế, dẫu thương mấy con nít trong cái tết dành riêng chúng chốn quê nghèo, đang thèm thuồng cắn nuốt miếng bánh Trung thu rẻ tiền, ruồi bu kiến đậu, hóa chất độc hại China tẩm đắng nghét cả cuống họng; cũng nên coi chuyện "hoàng triều cung tiến" ấy là bình thường, vì đời trần gian xưa nay vốn luôn cơ hội.
"Trung thu trăng của ông Trời.
Kéo quân, đèn xếp của người trần gian..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét